Quay lại

Năm 2018, khi khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam với ba trụ cột chính là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), FPT đã nhận định AI là “trái tim” của cuộc cách mạng này. 

Để AI phát triển bền vững tại một doanh nghiệp hay một quốc gia thì các yếu tố cốt lõi gồm có: nhân lực, dữ liệu và máy móc. Trong đó nguồn lực là yếu tố then chốt. FSOFT – lực lượng nòng cốt về công nghệ của FPT được giao sứ mệnh xây dựng đội ngũ, năng lực về AI cho tương lai.

Khoảng sáu năm trước, trong FSOFT đã có nhiều đơn vị áp dụng công nghệ AI để nâng cao năng suất lao động và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, những kiến thức về AI thời ấy bị phân mảnh, các nhân sự AI trong công ty thiếu tính kết nối vì yêu cầu bảo mật thông tin dự án, cũng như chưa có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị. Ngoài đội ngũ nhân sự nội bộ, FSOFT cũng liên kết với những chuyên gia AI ngoài công ty nhưng mối liên kết chưa chặt chẽ. FSOFT đã bổ sung “một thủ lĩnh về AI” để tối ưu nguồn lực, tập hợp toàn bộ kinh nghiệm và chất xám về AI trong công ty.  

Năm 2019, anh Nguyễn Xuân Phong – Top 50 nhà khoa học hàng đầu của một tập đoàn lớn tại Nhật Bản đã nhận lời trở thành Giám đốc Trí tuệ nhân tạo (CAIO) FSOFT. Nhận thấy công ty đang cần một nền móng vững chắc để củng cố nội lực AI, anh Phong đã đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu R&D về AI tại FSOFT, khởi đầu cho những bước đi chiến lược về AI về sau.

Năm 2020, FPT trở thành tập đoàn công nghệ đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á là đối tác chiến lược của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới Mila. Bốn hạng mục lớn trong hợp tác bao gồm: Nghiên cứu và phát triển nâng cao năng lực công nghệ AI của FPT; Tư vấn chiến lược dựa trên bề dày kinh nghiệm của Mila để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu FPT.AI tại Việt Nam, cụ thể là tại Quy Nhơn (Bình Định); Đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về AI, mang lại cơ hội và tiền đề cọ xát, nâng cao năng lực công nghệ với tầm vóc quốc tế; Tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh trong hệ sinh thái đối tác của Mila.

Nhờ hợp tác này, nhân lực AI FSOFT trưởng thành hơn khi nhận được sự hướng dẫn từ người thầy lớn là Giáo sư Yoshua Bengio – Viện trưởng của Mila, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực deep learning (học sâu). 

Không chỉ xây dựng “đội quân tinh nhuệ” AI cho riêng mình, FSOFT còn hướng tới việc đào tạo một thế hệ AI cho tương lai thông qua chương trình FPT Software AI Residency. 

“Không dễ để Việt Nam có thể thu hút các nhà khoa học AI đầu ngành từ nước ngoài, và thậm chí một số người Việt Nam có trình độ sẽ sang nước ngoài để nghiên cứu học tập. Chúng ta phải tự tạo nên một dòng chảy những kỹ sư, nhà khởi nghiệp về lĩnh vực AI có kỹ năng vững vàng để dẫn dắt cuộc cách mạng AI cho Việt Nam”, Giáo sư Yoshua Bengio, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mila khẳng định.

Tạo ra “dòng chảy” cho riêng mình, FSOFT AI Residency đã ra đời với mục tiêu ươm mầm phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu AI & Machine learning. Chương trình dành cho những ứng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc như đã từng đạt huy chương Đồng Olympic Toán học Quốc tế, huy chương Vàng, Bạc Olympic Toán học quốc gia, Thủ khoa đại học,… 

Đến với FSOFT, những tài năng này sẽ trở thành “một phần” của mạng lưới gồm những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia AI đầu ngành ở khắp nơi trên thế giới. Kết thúc thời gian tại chương trình AI Residency, các thành viên sẽ xuất bản những bài nghiên cứu khoa học tại các Hội thảo quốc tế. 

Năm 2022, vượt qua hơn 4.000 bài viết, thành viên FSOFT AI Residency đã sở hữu bài viết nằm trong top xuất sắc nhất được trình bài dạng “short presentation” tại Hội thảo danh giá nhất thế giới về học máy và trí tuệ nhân tạo (ICML). Nhóm tác giả đã sánh vai với nhiều đại diện của các hãng công nghệ hàng đầu như Google và Facebook để trực tiếp trình bày về nội dung nghiên cứu.

Vượt lên những giấc mơ cá nhân, chương trình AI Residency đã quy tụ được những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu trên thế giới, nhiều trong số đó là người Việt Nam. Họ được thỏa mãn khao khát kết nối, chia sẻ và hợp lực dẫn dắt những tài năng trẻ kế cận chinh phục những đỉnh cao mới về công nghệ. 

Khi đã chuẩn bị xong nhân sự cho hiện tại và cả tương lai, FSOFT mạnh tay đầu tư cho bài toán cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là sự kiện động thổ Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào năm 2023 của FSOFT. Với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, quy mô rộng 15,25 ha, tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực Đông Nam Á.

Bước vào năm 2024, AI đã trở thành “hơi thở” trong toàn FSOFT. Mới đây, công ty đã chào mừng thành viên thứ 30.000, cán mốc doanh thu trên 1 tỷ USD và chính thức gia nhập CLB doanh nghiệp IT quy mô lớn trên thế giới. Số lượng CBNV tăng gấp 3 lần sau chưa đầy 10 năm đã đặt ra cho công ty những bài toán lớn về quản trị, đặc biệt là tăng cường sự gắn kết của CBNV với công ty. Trước bài toán này, Trung tâm AI (AIC) và Ban Vận hành & Chuyển đổi số nội bộ (iDO) tại FSOFT đã nghiên cứu và cho ra đời giải pháp giữ chân nhân sự bằng AI.

“Chúng tôi dùng AI để hiểu hơn về các yếu tố kiến tạo hạnh phúc cho CBNV khi làm việc trong công ty, từ đó đưa ra các gợi ý cho bộ phận quản trị nhân sự”, anh Phong chia sẻ. 

Việc áp dụng AI không chỉ giúp tăng năng suất cho bộ phận mà quan trọng hơn, những kết luận của AI không mang ý chí chủ quan như con người, đảm bảo tính khách quan và minh bạch của thông tin.

Vừa qua, AIC đã giới thiệu sản phẩm CodeVista cho các lập trình viên – lực lượng nòng cốt ở FSOFT. CodeVista được kỳ vọng sẽ trở thành một người bạn đồng hành cùng với các lập trình viên trong nhiều tác vụ như làm tài liệu cho dòng code, trả lời các kiến thức lập trình chuyên môn, sửa lỗi trong một đoạn mã, hay tạo ra các phương trình kiểm thử tự động.

Đây sẽ là một trợ lý lập trình an toàn nhất do chính người FSOFT tạo ra, nhằm đảm bảo dữ liệu tương tác với AI là hoàn toàn bảo mật và không vi phạm các điều khoản với khách hàng. “Nghề lập trình viên sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai vì AI, nhưng làm chủ AI để tăng giá trị cho các lập trình viên, thì FSOFT tự tin sẽ tiên phong và không để ai tụt lại phía sau!”, anh Phong chia sẻ.

Với bài toán nâng cao chất lượng nhân sự, CAIO FSOFT chỉ ra, việc nghiên cứu AI một cách bài bản là nền móng vững chắc. Bám theo định hướng đó, đội ngũ AI của FSOFT được hỗ trợ, đầu tư, nghiên cứu và đạt những thành tựu lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh – hợp tác và ứng dụng nội bộ. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu AI của FSOFT còn được cộng đồng khoa học AI của thế giới đón nhận.

Năm 2022, nghiên cứu AI của FSOFT đạt top 1 benchmark trên Microsoft CodeXGLUE – tiêu chuẩn chung nổi tiếng của Microsoft Research, tập trung vào vấn đề tạo ra AI cho các bài toán về code (code intelligence). Đây được xem như làn sóng thứ ba của AI, thu hút sự quan tâm từ các công ty lớn như Microsoft, Google, Salesforce hay Meta bởi tiềm năng có thể thay đổi cả ngành lập trình phần mềm (Software 2.0).

Tại Hội nghị Quốc tế về Robot thông minh và Hệ thống (International Conference on Intelligent Robots and Systems – IROS 2023), các đại diện của FSOFT được đề cử cho hạng mục bài nghiên cứu xuất sắc nhất. Đến với Hội nghị quốc tế về xử lý âm thanh, tiếng nói và tín hiệu (ICASSP) thuộc hiệp hội chuyên gia kỹ thuật lớn nhất thế giới chuyên phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại, FSOFT cũng vinh dự nằm trong Top 3% bài nghiên cứu xuất sắc nhất hội nghị. 

Trong mảng kinh doanh và đầu tư, FSOFT đã nhanh chóng mở ra làn sóng đầu tư AI ra nước ngoài khi thời cơ tới. Năm 2023, FPT trở thành cổ đông chiến lược của Landing AI, Top 10 công ty khởi nghiệp AI toàn cầu, được thành lập bởi Tiến sĩ Andrew NG – Đồng sáng lập Coursera, và Trưởng nhóm sáng lập Google Brain. Cùng năm đó, FSOFT trở thành sáng lập viên Liên minh AI toàn cầu cùng IBM, Meta và 50 công ty, tổ chức lớn khác. 

Đi cùng những “đồng minh” Top 1 thế giới cả về nghiên cứu lẫn kinh doanh, FSOFT tự tin từng bước làm chủ những công nghệ mới nhất của AI. 

Nếu trước đây, FSOFT chỉ nhận bài toán rồi triển khai theo yêu cầu của khách hàng thì giờ đây FSOFT đã có công nghệ AI cốt lõi được đóng gói lại để tùy biến xử lý các vấn đề của khách hàng. Hiện đã có những khách hàng lớn ở Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất ô tô, tài chính, dịch vụ “đặt hàng” FSOFT xử lý các vấn đề trong ngành hàng bằng công nghệ AI. 

PwC ước tính, AI có thể đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, tương đương mức tăng trưởng 14% GDP toàn cầu hiện nay. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng năng suất lao động, tạo việc làm mới và tối ưu hóa quá trình sản xuất. 

Theo OEDC, AI đã thay đổi bản chất công việc. AI dẫn đến việc tái cấu trúc lại các tác vụ với chuẩn mực cao hơn. Tới 66% và 72% người lao động, lần lượt trong lĩnh vực tài chính và sản xuất cho rằng AI đã tự động hóa các công việc con người đã từng làm. Thậm chí, AI còn tạo ra những những công việc mới mà con người chưa từng làm.

Trong những năm tới, AI sẽ trở nên rất quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo dự báo của Statista, thị trường đang bùng nổ theo cấp số nhân: tăng trưởng tới 47%: 2024, rồi tiếp đà tăng trưởng khoảng trên 20% tới năm 2026 và không ngừng đi lên.

Bắt nhịp những xu hướng này, FSOFT cũng từng bước chinh phục những đỉnh cao mang tầm quốc tế về AI. 

“Xu hướng trong tương lai là phát triển AI an toàn và trách nhiệm. Không bao lâu nữa, các quốc gia sẽ sớm có những tiêu chuẩn khắt khe đối với tất cả doanh nghiệp, tổ chức sử dụng AI trong sản phẩm. Trong đó, FSOFT đã và đang có sự chuẩn bị chiến lược để đón đầu làn sóng này. Với sự nghiên cứu và đầu tư bài bản, FSOFT sẽ một trong những nơi cung cấp dịch vụ, giải pháp AI hàng đầu trên thế giới, “ CAIO của FSOFT chia sẻ.

Xa hơn nữa, anh Phong kỳ vọng FSOFT sẽ trở thành một nhân tố dẫn dắt để AI trở thành một phần tất yếu của thế hệ trẻ Việt Nam. Các bạn sẽ được tiếp xúc, học tập và rèn luyện AI từ thời kỳ phổ thông và hướng dẫn bởi những chuyên gia giỏi nhất thế giới. Đây là nền món để thế hệ trẻ Việt Nam sau này sẽ nhanh chóng tiệm cận với những tiêu chuẩn cao nhất trong ngành. Từ đó, AI sẽ trở thành thế mạnh của người Việt, những người có khả năng tạo ra những mô hình AI chuyên biệt, tạo đòn bẩy để Việt Nam là nhân sự chủ chốt trong những “cuộc chơi” AI trên thế giới.

Tác giả: Minh Tuyết
Biên tập: Thanh Nga
Thiết kế: Duyên Hà

Close