Quay lại

Khách hàng không chỉ ở trong mối quan hệ công việc mà còn luôn là những người thầy đáng kính của FSOFTer. Hiện tại, FSOFT đang cung cấp dịch vụ công nghệ, chuyển đổi số toàn diện cho hơn 700 khách hàng trên toàn cầu, trong đó có 91 khách hàng thuộc danh sách Forbes 500. Kiến thức sâu rộng, đa ngành đa nghề từ khách hàng toàn cầu đã giúp người FSOFT được học hỏi kiến thức chuyên môn từ công nghệ đến chuyên ngành, nâng cao khả năng giao tiếp và hội nhập với văn hóa tại các quốc gia…  

Trong những mối quan hệ thân thiết đó, nhiều khách hàng đã cảm mến tính cách nhiệt thành, hết mình, ham học hỏi và dám mơ lớn của người FSOFT. Họ đã từ bỏ những vị trí công việc mà hàng triệu người mơ ước để đầu quân cho FSOFT, cùng chí hướng đưa công ty “làm nên chuyện lớn”. 

Từ vị trí CEO của Hitachi Solutions, bác Ogawa Takeo – hay gọi thân mật là “cụ Ô” – đã chuyển sang làm Cố vấn cho FPT từ 2008. Năm 2009, ở tuổi 70 với tất cả thành đạt trong cuộc đời, cụ Ô trở thành CEO của FJP, dấn thân vào một môi trường đầy vất vả và rủi ro.

Để lý giải cho quyết định ấy, bác Ô chỉ trả lời: Đó chính là tình cảm với FPT, với anh Bình, chị Liên và những người trẻ tuổi khác. Với bác Ogawa, FPT là hình ảnh thu nho của Việt Nam đang khát khao vươn ra thế giới giống như thời tuổi trẻ của bác.

Theo cụ Ô, một trong hai lý do quan trọng khiến Hitachi Soft (công ty 5.000 nhân sự mà cụ Ô làm việc tại thời điểm năm 2003) quyết định hợp tác với FPT nhỏ bé chỉ có 100 nhân viên bắt nguồn từ ấn tượng và niềm tin của cụ về người Việt – “những gương mặt tươi cười”. “Vừa xuất sắc, vừa siêng năng, hạnh phúc khi được sáng tạo – đó chính là những kỹ sư Việt Nam. Tinh thần Việt Nam trong họ và tinh thần Samurai Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng”, cụ Ô nhận xét.

Thảm họa kép xảy ra vào tháng 3/2011 tại Nhật Bản là một ký ức không thể quên của cụ Ô trong thời gian gắn bó với FJP. Cơn địa chấn 9 độ richter và sóng thần cao 15m đã cướp đi hơn 19.000 sinh mạng, và tiếp đó trở thành thảm họa kép khi kéo theo sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Lúc đấy, tất cả người nước ngoài, kể cả sứ quán nước ngoài cũng đã rời khỏi Tokyo nhưng anh Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT đã kiên quyết phải sang Nhật ngay lập tức để động viên anh em, cam kết đồng hành cùng khách hàng và mang cả những món đồ cứu trợ thiết yếu. Anh Bình đã nói chuyện với toàn bộ nhân viên của FJP: “Anh có một lời nhờ các em, và sẽ sẵn sàng đáp ứng lại bất kỳ lời nhờ nào của các em cho đến cuối đời. Đó là không một người FPT nào rời bỏ Nhật Bản lúc này”. Thời điểm ấy, ở lại Nhật Bản là một quyết định đầy mạo hiểm, rủi ro nhưng không ai bảo ai, tất cả FSOFTer tại đây đã đồng ý. Và những nỗ lực của FJP trong thời điểm đó đã giúp công ty tiếp tục duy trì hợp đồng và có sự gắn kết bền chặt với khách hàng Nhật Bản.

Bên cạnh việc đưa FJP tăng trưởng, cụ Ô còn tự trao cho mình một sứ mệnh đặc biệt. Đó là gắn kết, lan toả tinh thần FPT cho thế hệ trẻ. FSOFT có văn hóa làm việc phải vui. Dù vất vả, thách thức thế nào thì cũng phải vui. Có lẽ bởi thế mà ở độ tuổi ngoài 80, không một sự kiện gắn kết nhân viên nào của FJP lại thiếu vắng sự xuất hiện của cụ. Trong lần tham gia giải chạy Happy Run tại Nhật Bản, cụ chia sẻ thật tuyệt vời khi thấy nhiều bạn trẻ FPT tập hợp về đây, cùng hòa sức với nhau để tham gia sự kiện chạy tập thể vào một ngày thời tiết đẹp ở Yokohama. Với cụ, “đó chính là tinh thần FPT”.

Trước đó, từ năm 2012, sau khi thôi đảm nhiệm vị trí CEO FPT Japan, cụ Ô đã từng chọn một công ty Nhật khác để làm cố vấn trong khoảng 3 năm rồi cái “tình” của người FJP, môi trường làm việc và văn hoá của FJP một lần nữa níu chân cụ quay về, tiếp tục làm cố vấn cho FJP đến nay.

Là nhân vật đình đám trong nền CNTT Nhật Bản với kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành, tên tuổi của bác Toru Tanihara đã gắn liền với danh tiếng của SCSK và Sumitomo – một trong tứ đại tài phiệt Zaibatsu (các tập đoàn kinh doanh tài chính và công nghiệp chi phối kinh tế Nhật Bản trước Thế chiến II). Được không ít tập đoàn hàng đầu thế giới săn đón, điều gì đã khiến bác Tanihara đầu quân cho FSOFT – một doanh nghiệp từng là đối tác của SCSK và Sumitomo?

Bác Tanihara chia sẻ: “Tôi từng nhận được lời mời tham gia vào Global Board của FPT từ Chủ tịch Trương Gia Bình khi khi còn đương nhiệm Chủ tịch SCSK. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã từ chối lời mời này vì nhận thấy bản thân vẫn còn thiếu sót, chưa đủ tự tin để đảm nhận vị trí mà Chủ tịch Trương Gia Bình đưa ra. Hai chúng tôi vẫn duy trì liên lạc và trao đổi với nhau về công việc. Qua những lời chia sẻ rất tâm huyết của Chủ tịch Trương Gia Bình, tôi nhận ra giữa anh Bình và ông Okawa Isao (người sáng lập SCSK) có rất nhiều điểm tương đồng trong quan điểm chiến lược. Bên cạnh đó, hợp tác với FSOFT cũng giúp tôi phần nào hiểu được tầm nhìn, sự chuyên nghiệp, đội ngũ nhân tài và năng lực của FSOFT. Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, tôi đã đồng ý với đề nghị của Chủ tịch Trương Gia Bình để đem ‘làn gió mới’ vào thị trường Nhật Bản”.

Sau khi nhậm chức vào tháng 4/2023, bác Tanihara có chuyến thăm Việt Nam trên cương vị mới và có cơ hội tiếp cận quy trình, hoạt động của FPT/FSOFT ở những bộ phận mà trước đó là khách hàng, bác chưa từng biết đến. Bác cho rằng cái hay ở FSOFT là tính đa dạng: “Người FSOFT rất đa tính cách, và ai cũng được là chính mình. Điều làm lên một FSOFT của ngày hôm nay đến từ việc một tổ chức có thể dung hòa được rất nhiều tính cách, và sẵn sàng hợp lực để vượt qua rất nhiều thời điểm khó khăn”. Bác khẳng định, FSOFT có được các cá nhân ưu tú bởi người FSOFT đang cùng nhau làm việc trong một tập thể ưu tú.

Sống và làm việc ở Hoa Kỳ một thời gian dài, đã đi khắp thế giới trong hàng chục năm, anh Dominic Trần gần như là một người Mỹ hoàn toàn, trừ khuôn mặt và dòng máu Việt. Trước khi đầu quân cho FPT America, anh là quản lý cấp cao mảng Công nghệ của Halliburton – tập đoàn dịch vụ mỏ dầu lớn thứ hai thế giới với hàng trăm công ty con trên 70 quốc gia. Anh Dominic Trần chia sẻ, anh vẫn còn nhớ mãi chuyến công tác tới Singapore vào Tết năm 2012. Trong bữa tiệc tân niên tại Đại sứ quán Việt Nam, trong phần giới thiệu công ty, thay vì chỉ tập trung về thế mạnh, phía FSOFT đã chủ động chia sẻ những điều chưa thể làm được. “FSOFT khác biệt so với tất cả nhà cung cấp khác tôi đã từng gặp trước đó. Hầu hết, các công ty luôn quả quyết với tôi rằng họ có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Vì vậy, sự thẳng thắn và minh bạch của FSOFT đã để lại ấn tượng với tôi ngay lúc đó”, anh nói.

Theo cựu quản lý của Halliburton, cơ hội trong ngành công nghệ khá rộng mở, nhưng có lẽ việc dẫn dắt một đội ngũ kỹ sư trẻ, năng động và nhiệt huyết, cùng góp sức vào sự phát triển của một công ty ở “quê cha đất tổ” thì rất đặc biệt. “Thật sự mà nói, FSOFT là một phần rất lớn trong cuộc sống của tôi. Tôi đón nhận và vô cùng biết ơn, bởi FSOFT cho tôi cơ hội để tạo ra những thay đổi tích cực và ý nghĩa cho đất nước bằng chính đôi bàn tay và trí óc của mình”, anh Dominic tâm sự. “Lần đầu tiên làm việc tại một công ty Việt Nam như FSOFT, tôi không bỡ ngỡ mà trái lại còn hoà nhập khá nhanh, nó tựa như bạn đang trở về thăm lại ‘mái ấm’ năm xưa vậy”.

Bài viết: Ngọc Hoa, Quỳnh Thơ

Biên tập: Phạm Vũ Tuân

Thiết kế: Hà Duyên

Close