Quay lại

Ngày 13/12/2023, tại Frisco (Texas, Mỹ), FPT công bố thành lập FPT Automotive có trụ sở tại Texas do anh Nguyễn Đức Kính làm Giám đốc. Mục tiêu của FA là trở thành nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô thế giới, đạt doanh thu 1 tỷ đô vào năm 2030.

Vậy là, sau hơn 10 năm làm phần mềm ô tô, domain đầu tiên của FSOFT được tách ra thành công ty riêng, hoạt động như một đơn vị kinh doanh độc lập (P&L). Đây là bước đi chiến lược khi ngành công nghiệp ô tô thế giới ngày một lớn mạnh và dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai.

Năm 2010, anh Kính gia nhập FPT tại Nhật Bản. Kết hợp đam mê cá nhân về ô tô với xu hướng thị trường để phát triển kinh doanh cho công ty, tháng 3/2015, anh đề xuất với Ban lãnh đạo FSOFT cho lập một đơn vị phần mềm chiến lược chuyên về Automotive.

“Bao năm nay FSOFT làm rộng mà chưa sâu, năng suất lao động không tăng sau nhiều năm. Tôi đinh ninh phải đi theo domain thì mới giải quyết được bài toán này”, anh Kính nói.

Đầu năm 2016, FGA (FPT Global Automotive) ra đời với mong muốn một ngày không xa, FPT sẽ có mặt trên bản đồ công nghệ thế giới bằng giải pháp trọn gói.

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng FGA nhanh chóng trở thành domain duy nhất của FSOFT có tính cạnh tranh tầm quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nhà Phần mềm có đơn vị chuyên về domain thực sự với phần lớn thành viên là những chuyên gia về ngành Automotive.

Trong 5 năm tiếp theo, FGA thu về nhiều “quả ngọt” khi trở thành đối tác chiến lược của các “ông lớn” OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), ký được nhiều hợp đồng triệu đô, đặt chân vào các thị trường ô tô nóng bỏng như Nhật, Mỹ, châu Âu…

Năm 2021, theo định hướng phát triển chiều sâu để tạo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững cho FSOFT, FGA sáp nhập với MFG, thành lập đơn vị mới có tên là GAM (Global Automotive Manufacturing). Trở thành đối tác chiến lược của 20 công ty sản xuất thuộc Top 100 thế giới là mục tiêu hàng đầu của GAM.

Năm 2022, GAM có bước đi chiến lược khi tăng “độ phủ” tại Mỹ – thị trường năng động và tăng trưởng mạnh nhất ở mảng Automotive và Manufacturing. Từ cuối năm 2022 và hơn nửa đầu năm 2023, GAM tập trung toàn lực vào việc phát triển các dự án xe điện với khách hàng mới tại Mỹ nhằm khẳng định: Kỹ sư Việt Nam có thể tạo ra khác biệt, thay đổi thế giới.

Quyết liệt chuyển mình và bứt phá, cuối năm 2023, FPT Automotive ra đời sau khi huy động nguồn lực từ các đơn vị GAM, GST, IVS và các OB gồm Nhật, Hàn, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Cùng với Giám đốc Nguyễn Đức Kính, Ban lãnh đạo FA còn có sự đồng hành của Giám đốc Vận hành (COO) Tạ Trần Minh, Giám đốc Doanh thu (CRO) Nguyễn Thị Thùy Dương và Giám đốc Sản xuất (CDO) Vũ Tuấn Mạnh.

Từ năm 2024, FSOFT đã đưa “Chuyên ngành tỷ đô” vào chuỗi mục tiêu 5 GIGA để thực hiện.

FA kế thừa bộ gen FPT để thiết kế mọi hoạt động xoay quanh 3 trục giá trị gồm: Tiên phong (Pioneer), Thần tốc (Speed) và Chính trực (Integrity). Sứ mệnh của công ty là trở thành doanh nghiệp đóng góp tích cực vào quá trình phát triển xã hội di động thông minh.

Ban lãnh đạo FA xác định, tầm nhìn của công ty là doanh nghiệp tiên phong trong mảng công nghệ SDV (Software-Defined Vehicles), giúp đẩy nhanh tiến trình hình thành kỷ nguyên mới về di động thông minh mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và trải nghiệm vượt trội.

Bộ máy vận hành của FA được chia thành các khối để quản trị. Ở khối kinh doanh (BCC), bên cạnh các đơn vị kinh doanh ở các thị trường trọng điểm, FA còn có các đơn vị đặc biệt chia theo năng lực cốt lõi gồm CDC (Cockpit Domain Controller), AUTOSAR, VnV (Verification and Validation), SEA (Solution Engineering Automotive), và GUX (Global UI/UX). Nhiệm vụ của các đơn vị này là xây dựng và phát triển sản phẩm/ giải pháp cũng như xây dựng nguồn lực và năng lực cạnh tranh (competency), hỗ trợ cho khối Delivery.

Khối sản xuất (DCC) bao gồm 10 trung tâm phần mềm chiến lược, đặt tại Hà Nội – Đà Nẵng – TP HCM, phân chia theo mảng công nghệ và khách hàng gồm: AES (AUTOSAR Engineering Services), AIS (Automotive Integrated Solution), APS (Automotive Platform Solution/Service), DAT (Differentiated Automotive Technology), IVI (In-Vehicle Infotainment), ESE (Embedded Systems Engineering), ADS (Automotive Digital Services) và GET (Global Engineering Technologies).

Khối GDC (Global Delivery Center) gồm các đơn vị sản xuất tại Ấn Độ, Mexico, Romania, Trung Quốc và Philippines. Các khối GPS và SPC là các đơn vị/phòng ban chức năng, phụ trách nhân sự, phát triển nguồn lực, truyền thông, kế hoạch kinh doanh, tài chính – kế toán…

Năm 2024, FA đặt mục tiêu doanh thu OKR 201 triệu đô. Về dài hạn, công ty sẽ tăng trưởng doanh số tăng gấp 3 lần sau 3 năm, đưa tỷ trọng doanh số đến từ OEM lên 50%. Vào năm 2030, FA sẽ là 1 trong 2 P&L lớn nhất của FSOFT và trở thành công ty tư vấn kỹ thuật ô tô đẳng cấp thế giới với doanh thu tỷ đô.

Là doanh nghiệp tiên phong trong sân chơi mới, FSOFT đã tiếp cận và tham khảo mô hình thành công từ các “guru” đi trước.

“Tổ chức hoạt động lấy domain làm chủ đạo là phương thức được sử dụng nhiều nhất tại các công ty cung cấp dịch vụ IT hàng đầu thế giới như: Capgemini, TCS (Tata Consulting Services), Cognizant, Infosys, Wipro, DXC… Không chỉ giúp các công ty tăng trưởng như vũ bão, mô hình này còn được xem là yếu tố giúp thắng thầu các dự án khổng lồ và lâu dài. Một domain ý nghĩa là domain có doanh thu tỷ đô”, anh Kính nói.

Thiết kế con đường cho riêng mình, FSOFT tập trung phát triển thị trường, củng cố năng lực công nghệ Automotive Engineering.

Nhận ra Automotive là ngành công nghiệp toàn cầu điển hình, một trong những bước đi quan trọng của FSOFT là xây dựng “cứ điểm” tại thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc Mỹ và châu Âu.

Đầu năm 2024, FA mở nearshore tại Pune, Ấn Độ nhằm phát triển thị trường, khai phá cơ hội mới.

Pune được xem là một trong những trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới với sự có mặt của các nhà sản xuất xe hơi danh tiếng như Volkswagen, Mercedes-Benz, Bajaj Auto, Hero MotoCorp… Lập văn phòng mới tại đây sẽ giúp FA gia tăng nguồn lực trên toàn cầu để đáp ứng nhanh nhu cầu chuyển dịch của ngành công nghiệp ô tô cũng như tối ưu hóa các giá trị mang đến cho khách hàng về tốc độ triển khai, quy mô và hiệu quả phát triển sản phẩm.

Dự kiến năm 2026, văn phòng của FA tại Ấn Độ sẽ đạt quy mô 500 nhân sự, trong đó chủ yếu là những kỹ sư công nghệ chuyên môn cao với năng lực toàn diện.

Đẩy mạnh hoạt động tại các nearshore như Phillipines, Romania, Mexico, Ấn Độ, FA cũng tận dụng nguồn lực trong nước (offshore) để cung cấp dịch vụ hiệu quả nhất cho khách hàng (bestshore).

Tại Trung Quốc – thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, FSOFT đã có văn phòng tại Nam Ninh và Thượng Hải để đến gần với các khách hàng lớn trong mảng Automotive, Semiconductor.

Tại Mỹ, dù tỷ trọng thị trường mới chỉ chiếm khoảng 19% tổng doanh số, nhưng Mỹ vốn là “cái nôi công nghệ” của thế giới, tập trung nhiều nhân tài, mọi diễn biến về thị trường, kinh tế đều khởi nguồn từ đây. Vì vậy, chọn Mỹ là nơi đặt trụ sở chính, FA thể hiện quyết tâm tiên phong, giống như “đại bàng bay thẳng vào tâm bão, chinh phục những đỉnh cao mới”.

Cùng với khai thác tiềm năng từ chương trình CINEX (đón việc từ Trung Quốc và Ấn Độ), chiến lược phát triển của FA là thực hiện “ghép toa” (Shinkansen) với các nhà sản Chip, những tên tuổi lớn đẳng cấp số 1 trong ngành và các OEM tại các thị trường trọng điểm.

FA cũng tập trung vào hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), quản lý mạng lưới khách hàng toàn cầu để đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng sản phẩm/giải pháp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển SDV trên sân chơi quốc tế.

Ngoài việc kết hợp cùng các công ty hàng đầu thế giới về chip và AI, FA chú trọng chiêu mộ đội ngũ nhân sự chất lượng quốc tế để tạo ra khác biệt. Để chủ động nguồn lực, công ty cũng tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bằng việc phối hợp cùng Đại học FPT (FU) thành lập khoa “Công nghệ phần mềm ô tô” đầu tiên tại Việt Nam, mở rộng đầu tư phòng lab, hỗ trợ giảng dạy, thực hành và tham gia các đề án nghiên cứu khoa học với các trường Đại học hàng đầu.

Giám đốc FA Nguyễn Đức Kính cho hay: “Đối thủ đầu tư rất mạnh vào nearshore, partnership và M&A. Sự ra đời của FA là khẳng định của FPT trong việc đẩy mạnh những mảng đó”.

Tập khách hàng chủ yếu của FA là các công ty OEM và tier-1 trên thế giới như Ford, Honda, Hyundai, Volvo, Panasonic, LG… cùng các công ty sản xuất chip bán dẫn như NXP, Renesas… FPT cũng được định vị trong nhóm đối thủ chính (Major Contenders) cùng nhiều tên tuổi lớn như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA… theo công bố gần đây của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Shared Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô tô trên toàn cầu.

Automotive chỉ việc thiết kế/phân tích cơ khí (CAD/CAE) và thiết kế, phát triển phần cứng/phần mềm trong xe (in-car), ngoài xe (out-car)… Các hệ thống phần cứng/phần mềm trên xe gồm thiết bị dẫn hướng (car navigation), hệ thống giải trí (media/audio/video), hiển thị (đồng hồ công-tơ-mét điện tử, các biểu tượng đèn, điều hòa nhiệt độ…), các hệ thống điều khiển xe chạy trên ECUs (Electronic Control Unit) như BCM (Body Control Management), ADAS, gateway, hệ thống giảm xóc,… Một chiếc xe hiện đại có từ 80 tới 120 ECUs. Số lượng phần mềm trong xe hơi hiện nay đã lên tới trên 150 triệu dòng code, gấp 20 lần quy mô phần mềm của 1 chiếc máy bay Boeing 787 hiện đại nhất.

Nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ô tô giống như một chiếc “điện thoại có 4 bánh”. 90% sáng tạo của xe hơi nằm ở phần mềm. 100% xe sẽ kết nối với Cloud. Xe hơi bây giờ không còn là lãnh địa bất khả xâm phạm của Ford, Daimler, Toyota, Nissan… mà là cơ hội cho tất cả công ty công nghệ, các nhà cung cấp giải pháp (Solution Providers), từ Tesla tới Google, từ BYD tới Xiaomi… và cả FPT.

Nhận thấy tương lai rộng mở trong ngành phần mềm ô tô, FA cam kết đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Từ tháng 3/2017, FGA triển khai lấy chứng chỉ A-SPICE (mô hình đánh giá quá trình cải tiến phần mềm được ban hành bởi hiệp hội các hãng ô tô HIS Working Group gồm Audi, BWM, DaimlerChrysler, Fiat, Porsche, Volkswagen, Volvo) để đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ô tô. Sau 9 tháng triển khai, vượt qua những sát hạch khó khăn, căng thẳng với các chuyên gia của Exida, FGA đã sở hữu chứng chỉ A-SPICE cấp độ 3. Với 5 là cấp độ cao nhất, trên thế giới hiện có rất ít các công ty đạt A-SPICE cấp độ 4 và 5.

Lấy được A-SPICE cấp độ 3 là bước đầu tiên để FGA chuyển mình lên một tầm cao mới trong ngành phần mềm ô tô. Từ bệ phóng này, FGA tiếp tục nghiên cứu và chinh phục mục tiêu cao hơn: ISO 26262 (tiêu chuẩn quốc tế về an toàn chức năng trong ngành công nghiệp sản xuất xe cơ giới).

ISO 26262 là “định nghĩa” an toàn chức năng cho tất cả các hệ thống liên quan đến an toàn điện và điện tử ô tô, bao gồm toàn bộ vòng đời từ phát triển, sản xuất, vận hành, dịch vụ và cảnh báo ngừng hoạt động. Chứng chỉ này cung cấp hướng dẫn và yêu cầu về an toàn chức năng của các hệ thống điện và điện tử trên các phương tiện giao thông đường bộ hiện nay.

Gần đây, rất nhiều hãng xe chú trọng nghiên cứu, tích hợp công nghệ hiện đại cũng như các tiện ích tốt nhất cho người sử dụng. Các tính năng điện tử cũng được đề cao tính an toàn, đặc biệt, an toàn chức năng (Functional Safety) của hệ thống điện và điện tử được xem là giải pháp cho cho ngành công nghiệp ô tô phát triển đột phá.

Hiện, toàn FSOFT có hơn 20 chứng chỉ về ISO 26262. Đặc biệt, các kỹ sư của FPT là nhân tố chính giúp khách hàng là hãng xe nổi tiếng toàn cầu đạt được tiêu chuẩn khắt khe này. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một công ty Việt Nam lại tư vấn và cung cấp dịch vụ Engineering cho một công ty sản xuất ô tô đạt chứng chỉ siêu khó này”, anh Kính tự hào.

Cũng trong 2017, FSOFT là 1 trong 21 Development Partners của AUTOSAR. AUTOSAR (AUTomotive Open System ARchitecture) được hiểu là kiến trúc phần mềm cho điều khiển ô tô do các công ty ô tô hàng đầu thế giới của Đức lập ra từ năm 2003 để “thống trị” ngành xe hơi. Điều này đã đánh dấu sự tham gia của công nghệ phần mềm Việt Nam vào sân chơi Automotive thế giới.

Tận dụng thế mạnh, FSOFT tiếp tục đầu tư phát triển bộ sản phẩm toàn diện MaaZ cho xe hơi trên nền tảng AUTOSAR, giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu quả sản xuất, nhân lực với giá thành cạnh tranh.

MaaZ trở thành lựa chọn của các “ông lớn” và nhận giải thưởng quốc tế AutoTech Breakthrough Awards dành riêng cho những sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong ngành công nghệ xe hơi được tổ chức hàng năm. Sản phẩm này chính là vũ khí chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định đẳng cấp thế giới của FSOFT và giúp công ty chủ động đào tạo nguồn lực AUTOSAR chất lượng.

Thời gian tới, FA sẽ tập trung vào audio cho ô tô, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các giải pháp SDV, phát triển giải pháp hệ thống giải trí/hiển thị trong khoang lái ô tô (CDC) để đảm bảo phát triển từ đầu đến cuối cho hệ thống phần mềm trên xe ô tô.

Tương lai, một chiếc xe lăn bánh sẽ mang theo những dịch vụ của FA gồm: Phần mềm cho các ECU bên trong xe, toàn bộ phần mềm/ứng dụng cho hệ thống cockpit trên xe (gồm hệ thống giải trí trên xe – IVI; hệ thống đồng hồ công-tơ-mét trên xe – cluster; hệ thống hiển thị thông tin lên kính xe – HUD), Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn (ADAS), Hệ thống xử lý âm thanh trên xe, Hệ thống cloud và ứng dụng smartphone ngoài xe cung cấp các dịch vụ/trải nghiệm cho xe thông minh:  telematics, connected services…

Theo anh Kính, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được dự báo sẽ chi hơn 536 tỷ đô/năm vào 2030 khi chuyển dịch sang các dòng xe truyền động kiểu mới khác với động cơ đốt trong truyền thống. “Với quy mô thị trường lớn như vậy, dựa trên nền tảng và tiềm lực của FA thì việc đạt 1 tỷ đô vào 2030 không phải là điều viển vông”, anh Kính khẳng định.

Nhưng để đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu, Giám đốc cho hay: “FA cần quyết liệt thực hiện M&A trong 2 năm tới nhằm tạo đà vững chắc cho các năm sau”. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung phát triển năng lực cốt lõi về CDC, AUTOSAR, và các giải pháp IP liên quan tới hệ thống phần mềm trên ô tô.

Khi đóng đô tại những khu vực nóng bỏng về xe hơi, FA phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn. Tuy nhiên, FA đang sở hữu “vốn hiếm” mà ít công ty nào lúc tách ra có được. Đó là đội ngũ Presale, Delivery mạnh với quân số hơn 4.000 người trải dài từ OB tới nearshore, cộng với nền tảng kinh doanh gồm 119 khách hàng.

Xác định xây dựng domain là quá trình dài hơi có thể kéo dài cả chục năm, FA kiên định tạo ra năng suất khác biệt. “Domain là ngành. Trong ngành có đủ mọi nghề. FA chọn ngành, không chọn nghề. Về lâu dài, năng suất tổng thể cho ngành sẽ tăng lên”, anh Kính nói.

“Bất cứ công ty phần mềm nào đạt doanh số tỷ đô đều đáng ngưỡng mộ, đặc biệt khi có một chuyên ngành tỷ đô, đẳng cấp thế giới. Bởi điều này sẽ giúp hàng chục triệu thanh niên Việt Nam và các doanh nghiệp trên thế giới nhận ra rằng: Việt Nam là một thế lực đẳng cấp thế giới về Engineering”, Giám đốc FA nhận định.

Bài viết: Tô Ngà

Thiết kế: Hà Duyên

Close