Quay lại

Hơn hai thập kỷ trước, FPT đã có chỗ đứng trong nước nhưng đời sống của anh em vẫn còn chật vật. Tìm kiếm thị trường mới khi thị trường nội địa quá nhỏ là động thái tất yếu của tập đoàn.

Năm 1998, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công nghệ FPT, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình công bố giai đoạn phát triển đầu đã kết thúc, FPT sẽ chuyển sang giai đoạn hai là toàn cầu hóa và dịch chuyển trọng tâm sang lĩnh vực xuất khẩu phần mềm (XKPM). Nhiệm vụ này được giao cho đơn vị FSU1 (FPT Strategic Unit No.1) – tiền thân của FSOFT sau này.

Suốt ¼ thế kỷ phát triển, FSOFT luôn là đơn vị tiên phong, giữ vai trò nòng cốt trong 3 làn sóng toàn cầu hóa của tập đoàn: Làn sóng thứ 1 (từ năm 1999 – 2002), làn sóng thứ 2 (từ năm 2006 – 2015), làn sóng thứ 3 (từ năm 2015 – nay).

Đến cuối năm 2023, FSOFT đã hiện diện tại 30 quốc gia, với gần 30.000 CBNV trong đó có 5.000 CBNV đang làm việc ngày đêm trên khắp thế giới.

Năm 1994, khi xây dựng đề án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong danh sách các mô hình phải học tập, anh Trương Gia Bình đã đề xuất đi thăm Electronic City ở Bangalore, bên cạnh Silicon Valley của Mỹ, Tân Trúc của Đài Loan, Ishikawa của Nhật, Daegu của Hàn. Anh Bình muốn học tập mô hình của Ấn Độ để “thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới, góp phần hưng thịnh quốc gia”. Nhưng phải đến sau Hội nghị Đồ Sơn 1998, hay còn gọi là Hội nghị Diên Hồng của FPT, FPT mới quyết định đi Ấn Độ.

Ngày 13/1/1999, FSS (FPT Software Solution) sáp nhập vào FSU1 (FPT Strategic Unit No 1) thành FSOFT để thực hiện nghị quyết XKPM với mục tiêu 528, tức là đạt số lượng 5.000 lập trình viên, doanh thu 200 triệu đô la và có giá trị 8 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán New York.

Sau khi chuẩn bị tương đối về lực lượng, tài chính, cuối năm 1999, FSOFT đã sẵn sàng bước vào công cuộc XKPM.

Ngày 23/11/1999, FPT họp báo công bố thành lập Chi nhánh Ấn Độ (FPT India). Đây là chi nhánh nước ngoài (OB) đầu tiên của FSOFT do anh Khúc Trung Kiên làm Giám đốc với sứ mệnh kết nối giữa lực lượng sản xuất phần mềm trong nước với các nền công nghiệp phần mềm tiên tiến trên thế giới.

Nhưng không kiếm được việc, chi phí thuê lập trình viên người Ấn cộng với tiền mặt bằng trở thành gánh nặng, FPT India phải lặng lẽ đóng cửa sau hơn 1 năm hoạt động.

Cùng thời điểm cuối năm 1999, FPT tổ chức Lễ Xuất quân cho các chiến binh XKPM của FSOFT đi “chinh phạt” Bắc Mỹ tại trụ sở 89 Láng Hạ. Ngày 08/1/2000, FPT họp báo công bố thành lập Chi nhánh FPT USA với Giám đốc là anh Henry Trần Văn Hùng.

Hợp đồng đầu tiên trị giá 80.000 đô la từ Mỹ đã mang tới tin vui thắng trận cho toàn quân FPT. Sau đó là một số hợp đồng trị giá 300.000 USD liên quan đến phát triển chương trình trên Internet dưới nhiều ứng dụng như trường học, nhà hàng, chợ điện tử buôn bán cafe, quảng cáo. Khởi đầu thuận lợi khiến lãnh đạo FPT tin tưởng, Mỹ chính là “kho thóc Nhật”. Từ Việt Nam, anh Bình yêu cầu bổ sung lực lượng cho FPT USA với chương trình “Phi công vũ trụ”: tuyển chọn những người xuất sắc nhất, dồn quân cho tiền tuyến.

Đáng buồn là một sự kiện không ngờ đã xảy ra. Cuộc khủng hoảng của các công ty dot-com đã khiến FPT USA không kéo được hợp đồng mới, làm đảo lộn mọi kế hoạch XKPM. Việc tăng quân ồ ạt cũng khiến FSOFT gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2002, văn phòng FPT USA đóng cửa, khép lại “Giấc mơ Mỹ” còn dang dở.

Thất bại của FPT FUSA và “chiến trường B” Ấn Độ, FPT thay đổi kế hoạch XKPM. Anh Bình nói với Nguyên TGĐ FSOFT Nguyễn Thành Nam: “Anh em mình đi Nhật”.

Kế hoạch ban đầu của các lãnh đạo FPT là sau thành công ở Mỹ, Ấn Độ và châu Âu, FPT mới tiến sang Nhật, vì Nhật vốn được coi là thị trường “khó nhằn” nhất. Quan trọng hơn cả là toàn FSOFT lúc ấy không ai biết tiếng.

Cơ duyên với thị trường Nhật cũng bắt đầu từ Khu Khoa học Công nghệ cao (KCNC) Hà Nội mà FPT được giao nhiệm vụ huy động các nguồn vốn để xây dựng. Dự án nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong đó có Tập đoàn Sumitomo biết đến FPT.

Ông Nisida, khi ấy là Cố vấn cấp cao của Sumitomo, một người rất yêu quý Việt Nam chính là nhân vật quan trọng đưa FPT tới ngã rẽ bất ngờ – Nhật Bản. Năm 2000, ông Nishida đến gặp anh Bình và bảo: “Muốn làm với Nhật thì phải đến Nhật. Tôi sẽ đưa ông đi”.

Chuyến đi Nhật diễn ra vào tháng 12/2000, nhờ sự dàn xếp của ông Nishida, anh Bình và anh Nam đã gặp gỡ đại diện của rất nhiều công ty. Tâm lý từng thất bại ở các thị trường trước, cả hai anh không hy vọng nhiều. Vũ khí duy nhất trong chuyến đi này là bài diễn thuyết về “Digital Waterfall” (Thác số – Cầu vượt) của anh Bình. Ở đâu anh cũng say sưa trình bày bằng tiếng Anh. Dù đa phần khách hàng không hiểu, nhưng họ lại cảm nhận được nhiệt huyết trong anh.

May mắn đã mỉm cười với FPT. Trong cuộc gặp NTT-IT có 7 người thì cả 7 người đều học tiến sĩ ở nước ngoài. Nhờ họ biết tiếng Anh nên công lao khản tiếng thuyết trình của anh Bình được đền đáp. Vài ngày sau khi hai người về nước, anh Nam nhận được email của bác Ichinose từ NTT-IT muốn bắt tay làm việc cùng FPT.

Thật khó tin là FPT đã nhận lời và hoàn thành dự án đúng hạn chỉ trong 2 tuần theo yêu cầu từ NTT-IT. Tuy là một công ty nhỏ nhưng NTT-IT thuộc tập đoàn hàng đầu của Nhật là NTT. Nhờ quan hệ đó, cái tên FPT bắt đầu được biết đến ở xứ sở Phù Tang.

Thành công với NTT-IT là cả một sự bất ngờ, làm thay đổi hoàn toàn chiến lược của FPT. Anh Bình tin tưởng, Nhật Bản sẽ là thị trường hàng đầu của FPT về XKPM.

Vốn là thị trường khắt khe nhất thế giới về chất lượng, nếu đi được với Nhật có nghĩa FSOFT sẽ đi được với bất kỳ thị trường nào. Một may mắn cho FPT là từ năm 2002, Chính phủ Nhật đã đưa ra chiến lược China+1, chọn rất nhiều quốc gia để làm đối trọng với Trung Quốc. Với những ưu thế khác biệt, Việt Nam vẫn luôn “có cửa” trong chiến lược này.

Thị trường Nhật Bản mở ra quá nhiều cơ hội. Xác định ngoại ngữ là vấn đề lớn nếu muốn tiến quân vào thị trường này, cả FSOFT bằng những bước đi ngắn, trung và dài hạn đã từng bước “xóa mù” tiếng Nhật.

Giữa năm 2004, công việc bắt đầu thuận lợi, FSOFT quyết định mở văn phòng tại Nhật. Khách hàng cũng mong muốn FPT phải hiện diện ở đất nước của họ thì việc kinh doanh mới mở rộng được.

Rút kinh nghiệm từ thất bại trong những lần ra nước ngoài trước, việc chuẩn bị để mở văn phòng lần này khá chu đáo, từ lựa chọn địa điểm, chuẩn bị lực lượng lập trình viên biết tiếng Nhật đến cử người nằm vùng, khảo sát ở Nhật lâu ngày. Nhật Bản chính là nơi FSOFT thành công khi khắc phục được thiếu sót thuở ban đầu. Ngày 13/11/2005, FPT thành lập Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản (FJP), đặt trụ sở tại Tokyo, có văn phòng đại diện tại Osaka.

Tháng 02/2006, FJP ký hợp đồng đầu tiên với NSSOL và đứng được trên đôi chân của mình. Từ 01/01/2007, sở hữu khách hàng triệu USD đầu tiên, FJP đã trở thành một “công ty Nhật Bản” độc lập với khả năng đàm phán, thuyết phục và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án như bất cứ một công ty Nhật Bản nào khác.

Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở toàn cầu, FSOFT đặc biệt chú trọng phát triển chi nhánh từ Nam tới Bắc ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch mà đánh”.

Năm 2011, nhân dân Nhật Bản hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Cơn địa chấn 9 độ richter kèm sóng thần cao 15m đã cướp đi hơn 19.000 sinh mạng, và nhanh chóng trở thành thảm họa kép khi kéo theo sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ở lại Nhật Bản là một quyết định đầy mạo hiểm, rủi ro.

Thời điểm đó, khi hàng loạt các đối tác, khách hàng nước ngoài rời khỏi Nhật Bản, thì người FSOFT vẫn kiên quyết bám trụ, đồng hành cùng người dân Nhật vượt qua khó khăn. Cùng với nhiều chuyến hàng viện trợ gồm lương thực, thuốc men, khẩu trang, các nhu yếu phẩm, mỗi CBNV FPT khi đó đã đóng góp 1 ngày lương cho người FPT ở Nhật cũng như các đối tác, khách hàng Nhật Bản và những người dân nước này khắc phục khó khăn sau thảm họa.

Niềm tin được củng cố, từ năm 2012, Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng gia công XKPM từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Nhiều công ty Nhật bắt đầu coi Việt Nam như một đối tác chiến lược lâu dài nhằm cân bằng lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cùng với nỗ lực của người FPT tại Nhật, sự phát triển của FJP không dừng lại ở một văn phòng bán hàng mà còn vươn lên trở thành công ty SI (System Integrator) số 1 tại xứ sở Phù Tang. Trong 18 năm hiện diện tại đây, FJP luôn là công ty công nghệ nước ngoài có quy mô nhân lực lớn nhất với gần 3.000 CBNV làm việc tại 15 văn phòng trên khắp đất nước.

Có thể nói, làn sóng toàn cầu hóa thứ 2 của FSOFT bắt đầu với rất nhiều thuận lợi. Việt Nam đã gia nhập WTO và mỗi doanh nghiệp được hưởng lợi từ “ba làn sóng dân chủ”: Dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính và dân chủ hóa thông tin” (Thomas Friedman – “Chiếc Lexus và cây Ô-liu”).

FSOFT cũng đã chuẩn bị được một nguồn nhân lực đủ mạnh và có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Nếu trong năm 1998, FSOFT mới chỉ có khoảng vài chục lập trình viên thì vào năm 2006, con số này là hơn 1.500 lập trình viên với hàng trăm bằng cấp giá trị quốc tế, bao gồm cả Microsoft, Cisco, Oracle…

Đón đầu những xu thế trên thế giới, trong giai đoạn 2006-2008, FSOFT liên tục mở rộng thị trường. Tại châu Á, tháng 3/2006, thắng tổng thầu trị giá 6,42 triệu USD với tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) đã khích lệ FSOFT phác thảo ngay kế hoạch thành lập pháp nhân ở khu vực giàu tiềm năng này.

Ngày 13/03/2007, Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Á – Thái Bình Dương (FAP) do FSOFT sở hữu 100% vốn tại Singapore ra đời. Một năm sau đó, FSOFT cũng mở văn phòng tại Pháp (FPT Euro).

Đến năm 2008, FSOFT đã là một công ty đa quốc gia, hiện diện tại Pháp, Nhật, Úc, Singapore và Malaysia, doanh thu cỡ 40 triệu đô. Thị trường Nhật phát triển rất mạnh với doanh số chủ đạo chiếm tới 61%. Ban lãnh đạo đã có thể hài lòng, tập trung khai thác các thị trường này, nhưng cuối năm 2008, FSOFT quyết định hồi sinh “Giấc mơ Mỹ”.

Tháng 10/2008, bất chấp khó khăn bủa vây do khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, bằng quyết tâm, Công ty FPT tại Mỹ (FPT USA) được thành lập.

Với kinh nghiệm thành công ở thị trường Nhật, FSOFT tại Mỹ cũng tìm kiếm các “ông bác” để được giúp đỡ và học hỏi. Từ khi ra mắt đến lúc có được khách hàng đầu tiên là cả một chặng đường dài đổ bao tâm huyết nỗ lực. Freescale là một cái tên ghi dấu ấn trong lịch sử FPT USA bởi đã đánh tan “cơn khát” khách hàng của những người FPT tại Mỹ lúc bấy giờ. Giá trị hợp đồng ban đầu khoảng 500K đô.

Tiếp đó, nhờ việc bổ sung đội ngũ nhân sự toàn cầu, am hiểu khách hàng, văn hóa bản địa, FSOFT tại Mỹ đã tạo nên nhiều thành công khác.

Sau 10 năm, tới 2018, FPT USA có gần 300 nhân viên đóng đô trên 10 thành phố khác nhau của nước Mỹ, phục vụ cho hàng trăm khách hàng, trong đó có gần 50 khách hàng nằm trong Top Fortune 500 của Mỹ.Đặc biệt, tại thị trường này, FSOFT đã có thương vụ M&A với Intellinet vào năm 2018. Đây là thương vụ M&A thứ 2 của FSOFT sau khi mua lại RWE IT của Slovakia.

Năm 2015, lần đầu tiên tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos nhắc đến “cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” và “Digital Transformation”. Anh Bình tìm mọi cách để truyền bá khái niệm này ở Việt Nam. Từ tháng 06/2016, Đảng và Chính phủ bắt đầu đưa từ khóa này vào các văn bản quan trọng. FSOFT có cơ hội để trở thành một Digital Provider (nhà cung cấp dịch vụ Chuyển đổi số).

Thực hiện tham vọng này, năm 2017, FSOFT đẩy mạnh mảng Digitalization để giúp khách hàng chuyển đổi hình thức kinh doanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đưa ra chiến lược Whale-hunting (săn cá voi)/ Whale Farming (chăm cá voi).

“Cá voi” được hiểu là những doanh nghiệp có mức doanh thu từ 5 tỷ đô trở lên. Từ khóa này nhanh chóng lan ra rộng, mang về cho FSOFT tập khách hàng lớn tại những thị trường toàn cầu.

Từ những trái ngọt đó, năm 2020, FSOFT xác định chiến lược “Follow the Sun” (Theo chân Đế quốc). Để “đi cùng những người khổng lồ” – hợp tác với các doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong mỗi ngành nghề”, công ty tiếp tục mở rộng vùng phủ tại các quốc gia phát triển nhằm tiếp cận và hỗ trợ những khách hàng tiềm năng.

Sự trỗi dậy của thị trường châu Á – Thái Bình Dương cùng với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra thế “kiềng ba chân” cho FSOFT.

Tại các thị trường khác như châu Âu, Đông Bắc Á, FSOFT cũng tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế sau hàng loạt cái bắt tay chiến lược với các “siêu đại gia” kinh tế, chính trị thế giới.

Năm 2023, với chiến lược “bành trướng lãnh thổ”, FSOFT triển khai chương trình MILAR để trở thành công ty Global theo đúng nghĩa: Diversity về nguồn lực, Global trong mô hình sản xuất, Global trong vận hành hoạt động.

MILAR là từ viết tắt từ chữ cái đầu của các khu vực/quốc gia gồm Morocco (phục vụ cho thị trường châu Âu), India và Latin America (phục vụ cho thị trường châu Mỹ), Romania (phục vụ cho thị trường Trung Đông). Tại những nơi này, FSOFT sẽ thiết lập thêm trụ sở/văn phòng và các trung tâm sản xuất mới nhằm phục vụ mục tiêu toàn cầu hoá sản xuất, đảm bảo cung cấp dịch vụ 24/7 tới các khách hàng. Đồng thời, tận dụng nguồn lực toàn cầu để nhanh chóng đưa FSOFT trở thành một công ty đạt đẳng cấp thế giới (World-Class), đa quốc tịch, đa văn hoá.

Đến cuối năm 2023, FSOFT đã hiện diện tại 30 quốc gia, có gần 30.000 CBNV trong đó có 5.000 CBNV đang làm việc ngày đêm trên khắp thế giới. Trước thềm đón tuổi mới, doanh số thu về của FSOFT đạt 1 tỷ đô, đưa công ty vào Top các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT toàn cầu và sánh ngang với các tên tuổi như Globant, Mindtree, Unisys…

Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà tổng kết, FSOFT đang trải qua chu kỳ 10 năm thứ 3 với đẳng cấp Công ty tỷ đô đẳng cấp thế giới. Mục tiêu của FSOFT trong giai đoạn này là “Hợp tác và Phát triển trong các hệ sinh thái quốc tế bền vững, lọt vào danh sách TOP 50 Công ty dịch vụ CNTT toàn cầu vào năm 2030”.

Ở hai chu kỳ trước, trong 10 năm đầu FSOFT với nhiệm vụ “Hiện diện” đã hoàn thành mục tiêu “Tìm kiếm” và “Gia nhập thị trường”. 10 năm tiếp theo với nhiệm vụ “Tăng trưởng”, công ty cũng đã hoàn thành mục tiêu “Chiếm lĩnh” và “Mở rộng mạng lưới khách hàng toàn cầu”.

Trong chu kỳ thứ 3 này, FSOFT vẫn dành trọng tâm cho phát triển con người. Công ty sẽ tiếp tục phát triển nhân tài và trang bị cho CBNV những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng cùng những tiêu chuẩn toàn cầu.

“Hơn hai thập kỷ trước, FPT khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu và FSOFT được thành lập để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Sau 2 thập kỷ, Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số. FSOFT đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt toả sáng khắp năm châu. Trên hành trình phía trước, FPT/FSOFT vẫn đi theo một giấc mơ đưa đất nước lên tầm cao nhất bằng công nghệ, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Bài viết: Tô Ngà

Thiết kế: Hà Duyên

Close