Quay lại

“Năng lực của FPT chưa đủ để làm medical device. Hãy cử một số nhân sự sang Nhật tầm 3 đến 6 tháng để học” – Gợi ý của một “ông bác” người Nhật đã mở ra cơ duyên để FSOFT “bước  chân” vào mảng Healthcare. Ngay lập tức, 5 kỹ sư và 1 comtor lên đường sang Nhật. Sau 6 tháng, năm 2007, FSOFT có dự án đầu tiên trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe với khách hàng Hitachi Medical với nhiệm vụ phát triển ứng dụng phần mềm điều khiển cho 2 dòng máy CT Scanner và cộng hưởng từ MRI. Phó Giám đốc GHC Nguyễn Đỗ Đức Anh đánh giá: “Đây là dự án rất thành công, trở thành tiền đề để FSOFT và Hitachi Medical – nay là Fujifilm Healthcare hợp tác suốt 17 năm qua”.

Năm 2010, FSOFT thành lập FMIS (FSOFT Medical & Information System) do anh Nguyễn Thành Lâm – Nguyên CEO FSOFT dẫn dắt. Trong đó, FMIS.BU1 site HCM được định hướng và phát triển chuyên sâu về medical device. Đây được xem là domain Healthcare đầu tiên của nhà Phần mềm. Khoảng vài năm sau đó, FMIS.BU1 được đưa về các FSU với tên gọi mới như FSU15.BU1, FSU17.Z15, DTL.Z15, FHM.GHS. Năm 2017, Healthcare được phát triển ở Hà Nội. Hai dự án về Digital Health Platform và Pharmacy với khách hàng BI tại Mỹ và Med. tại Úc lần lượt mở ra nhiều cơ hội, đặt ra trăn trở: trọn đời làm mass hay đầu tư vào một lĩnh vực chuyên sâu để khách hàng “nhớ mặt, đặt tên”.

Lúc này, anh Chu Cảnh Chiêu cùng đồng đội trong FSU1.BU1 quyết tâm “all-in” vào mảnh đất Healthcare màu mỡ. BU FHS (FPT Healthcare Solution) ra đời, đặt mục tiêu đưa FSOFT vào Top 100 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp giải pháp y tế số.

Có thể  thấy, từ 2017, các dự án về Healthcare trải đều ở hai miền Nam – Bắc. Cả 2 đơn vị Healthcare khi đó là FHM.GHS và FHN.FHS đều mong chờ hợp lực . “Lãnh đạo và anh chị em 2 đơn vị muốn cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm sự hợp tác chung vì mục tiêu xây dựng năng lực Healthcare chuyên sâu cho FSOFT. Đó thực sự là trăn trở lớn lao của đội ngũ”, anh Chiêu nói.

Năm 2020, sự leo thang của Covid-19 trên toàn cầu đã định hình lại ngành Healthcare. Thế giới chuyển dịch từ việc khám bệnh truyền thống sang khám/chữa bệnh từ xa; các nhu cầu liên quan đến hoạt động chẩn đoán sức khỏe, ví dụ như mảng xét nghiệm tăng đột biến. Chỉ riêng tháng 12/2020, FHN.FHS có 12 dự án Healthcare, trải dài từ Á, Âu cho đến Úc, Mỹ. Đặc biệt, từ 2021, FSOFT kéo được “mẻ lưới” xấp xỉ 12,5 triệu đô về dự án fixed price viết phần mềm điều khiển cho máy xét nghiệm.

Cú huých từ Covid-19 đã mở ra những cơ hội có “1-0-2” cho mảng Healthcare. Với bề dày kinh nghiệm ở lĩnh vực này, CEO FSOFT Phạm Minh Tuấn ra quyết định thành lập Healthcare Program vào 2022 để chớp thời cơ. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo FSOFT, sự tận lực của các thành viên trong đề án Healthcare và các phòng ban, FSOFT từng bước nâng cao hình ảnh và năng lực tại mảng này.

Thành quả, năm 2022, những dự án Healthcare của FSOFT hiện diện tại hầu hết các thị trường Á, Âu với tập khách hàng danh tiếng trên toàn cầu. Healthcare trở thành “miền đất hứa” của các BU HDP, HIS, HLS thuộc FHN và GHS của FHM với doanh thu lên tới 30 triệu đô và gần 1.000 nhân sự.

Với sự “chín muồi” của domain Healthcare về số lượng khách hàng, thị trường toàn cầu, kinh nghiệm tích lũy, đầu năm 2023, Ban lãnh đạo FSOFT quyết định thành lập GHC – đơn vị chuyên về domain Healthcare, dựa trên sự hợp nhất các dự án Healthcare cả 2 miền Nam – Bắc.

CEO Phạm Minh Tuấn nhận định: “Với gần 20 năm làm lĩnh vực Healthcare, sở hữu danh sách khách hàng Top đầu thế giới, chi tiêu cho Healthcare luôn tăng dù crisis hay đại dịch, xu hướng ứng dụng AI và new tech cho các thế hệ tiếp theo của Medical Solutions,… BLĐ quyết định đưa Healthcare trở thành VI”. Anh cũng kỳ vọng domain này sẽ tăng trưởng gấp đôi sau mỗi 2 năm, năng suất cao nhất FSOFT, đưa mảng Medical Device sang Mỹ, đưa Healthcare Platform về JP và APAC…

Thuận nước đẩy thuyền, GHC đặt mục tiêu “Gấp đôi doanh thu sau mỗi 2 năm” và năng suất đạt 60K USD/năm/người vào 2026.

Năm đầu tiên các đơn vị Healthcare 2 miền Nam – Bắc về chung một nhà, GHC tập trung phát triển năng lực và mở rộng thị trường với 2 hướng chiến lược: DHP (Digital Health Platform): Nền tảng tích hợp hệ thống chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số; SaMD (Software as a Medical Device): Phần mềm sử dụng cho thiết bị y tế công nghệ cao.

Khép lại năm tài khóa 2023, doanh thu GHC đạt doanh thu 32 triệu USD, quy mô nhân sự xấp xỉ 1.000 người. Đơn vị cũng mang về cho FSOFT danh hiệu Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023 (hạng mục Healthtech) do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT VINASA bình chọn

Với khẩu hiệu “Máu – Chất – Khỏe – Yêu”, đơn vị gặt hái nhiều thành quả rực rỡ trên nhiều phương diện. Ở mảng đào tạo, đơn vị này có thêm 989 chứng chỉ mới, trở thành đơn vị dẫn đầu (chiếm hơn 60%) số lượng các chứng chỉ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm Healthcare tại Việt Nam. Sở hữu các chứng chỉ quốc tế chuyên về mảng Healthcare như HL7 FHIR R4, Kubenetes, Hitrust, GHC đã củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng toàn cầu.

Cùng với việc tạo dấu ấn với nhiều khách hàng mới, GHC hợp lực với OB để thâm nhập các thị trường tiềm năng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Thái Lan… đặt nền móng cho những “trận đánh” quy mô.

Đã phát triển theo chuyên ngành thì việc cung ứng các giải pháp, sản phẩm cho khách hàng là điều bắt buộc. Do đó, GHC liên tục đầu tư nguồn lực và chi phí để nuôi những ý tưởng, giải pháp mới. Giải pháp eCarePlus trên nền tảng Digital Health Platform là minh chứng cho hướng đi này.

Sau gần 2 năm nghiên cứu, năm 2023, eCarePlus có hợp đồng đầu tiên trị giá 45.000 SGD, mở ra nhiều cơ hội với các doanh nghiệp, tổ chức y tế trên toàn cầu.

Cùng quyết tâm xây dựng những giải pháp, sản phẩm của riêng mình, GHC cũng đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ, tăng cường hiệu quả của các phần mềm chăm sóc sức khỏe. Cùng với định hướng từ tập đoàn FPT, GHC đã và đang xây dựng chương trình hợp tác chiến lược với các đơn vị làm AI trong tập đoàn, cùng hiện thực hóa ý tưởng giải pháp sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe như: AI-Scribe, Smart Diagnotis Imaging…

Giám đốc GHC anh Chu Cảnh Chiêu khẳng định: “Hợp lực là kim chỉ nam để GHC lên đẳng”. Do đó, từ 2024, VI này lên kế hoạch bắt tay với các FSU, FCC, Domain khác nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng, nâng cao năng lực trong lĩnh vực Healthcare; Phối hợp với các đơn vị mass để deliver những trận đánh lớn theo mô hình supply chain; Bắt tay với những công ty tư vấn quốc tế để tăng cường năng lực.

Mọi chiến lược và hành động đều hướng đến “đưa GHC trở thành domain đẳng cấp quốc tế trong mảng dịch vụ phần mềm Chăm sóc sức khỏe”.

Ghi chú: (*) (Chuyên ngành tỷ đô, Khách hàng tỷ đô, Thị trường tỷ đô, Hợp đồng tỷ đô, Doanh thu tỷ đô)

Bài viết: Thu Quế

Biên tập: Thanh Nga, Vũ Tuân

Thiết kế: Hà Duyên

Close