Quay lại

Không chỉ là “giấc mơ Mỹ” hay “giấc mơ Đông Du”, cùng với sự phát triển của FSOFT và gia tăng hiện diện ở nhiều thị trường mới, ngày càng có nhiều FSOFTer đi onsite tại các quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Canada, Úc, Hàn Quốc, Singapore… Điều các onsiter chưa kể bạn nghe, về quá trình hội nhập của không chỉ onsiter mà còn là của con em mình (FSOFT Small) khi tiếp cận, sinh sống và trải nghiệm tại một miền đất mới… 

Bắt đầu cuộc sống tại một quốc gia mới, mỗi gia đình nhỏ FSOFT mang theo nhiều trải nghiệm mới mẻ lần đầu trong đời. Thời gian đầu là lúc để FSOFTer và gia đình làm quen với những đổi thay về nơi ở, sinh hoạt, khác biệt văn hóa… và dần ổn định cuộc sống. Khi các bố mẹ có cơ hội phát triển sự nghiệp thì FSOFT Small cũng được tiếp cận với những nền giáo dục hàng đầu thế giới…

Trong quá trình đó, các onsiter đều nhanh chóng vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu với sự hỗ trợ của công ty, những đồng nghiệp đàn anh đi trước và cộng đồng người Việt tại đây để nhanh chóng hoà nhập với môi trường sống đa trải nghiệm để các thành viên trong gia đình thêm gắn kết và yêu thương nhau.

Ngày cả gia đình đặt chân tới nước Đức, bé lớn nhà chị Nguyễn Thị Ngân Hà (FPT EU) chuẩn bị vào lớp Một, bé thứ hai chỉ mới 9 tháng. Vì vậy, vấn đề mà hai vợ chồng quan tâm nhất là điều kiện y tế và học tập cho các con.

Thời gian đầu, hai vợ chồng chị Hà làm việc tại nhà để chăm sóc các con, đồng thời tìm trường học cho bé bởi phải sau 6 tháng sống tại Đức, hai bé mới được nhập học. Đối với anh chị, tự lập chăm sóc con cái là một trong những khó khăn ban đầu, đồng thời đây cũng là cơ hội để anh chị có nhiều thời gian bên các con và theo sát các bé trong quá trình hòa nhập tại Đức.

Ngày con đến trường mới, chị Hà trao đổi với giáo viên và nhờ cô giúp đỡ. Rất may là cô giáo bản địa thân thiện và nhiệt tình với bé, từ đó con đã dần thích nghi và có thể giao tiếp, vui chơi cùng các bạn. Tiếng Đức của bé khá dần lên qua những buổi học phụ đạo tại trường. Bên cạnh đó, bé còn được tham gia thêm các câu lạc bộ năng khiếu như piano, mỹ thuật, cờ vua, tennis… vào buổi chiều để bé có cơ hội thực hành ngôn ngữ và giao tiếp với nhiều bạn hơn.

“Với mình, onsite không chỉ là việc bước ra khỏi vùng an toàn và chinh phục những cơ hội mới trong công việc. Đó còn là bước ngoặt lớn với cả gia đình khi bố mẹ sẽ hoàn toàn tự lập trong việc chăm sóc con, trưởng thành hơn và các bạn nhỏ được rèn luyện tính tự lập từ bé”, chị Hà chia sẻ.

Quyết định đưa cả gia đình sang Nhật khi bé đầu vừa mới vào học lớp 2, còn bé thứ hai được 3 tuổi, anh Bùi Lê Tuấn (FPT Japan) đã thống nhất với vợ và các con về việc bắt đầu cuộc sống tại một vùng đất mới, đồng thời làm rõ những thuận lợi và khó khăn để cả nhà đồng hành cùng nhau. “Nhận thấy ngôn ngữ là một trong những rào cản, gia đình mình đã học thêm tiếng Nhật nên khi sang đây không bị quá bỡ ngỡ với thứ ngôn ngữ khó nhất nhì thế giới này”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết các thủ tục hành chính tại Nhật đều được công khai, dễ dàng tra cứu nên anh có thể tìm hiểu và đăng ký nhập học cho con ngay tại trường gần nhà nhất. “Nơi gia đình mình ở đầu tiên khi sang Nhật là Kawasaki – thành phố trẻ đầy sôi nổi của tỉnh Kanagawa, ngay cạnh Tokyo. Tại đây, giáo viên và nhà trường rất có kinh nghiệm với trẻ con quốc tế, hỗ trợ rất tốt cho việc hòa nhập khi mà tiếng Nhật của trẻ chưa tốt. Điều đó khiến mình rất yên tâm. Vì các cháu còn nhỏ, lại sống trong môi trường bản địa, hàng ngày tiếp xúc với bạn bè và thầy cô người Nhật, nên tiếng Nhật sẽ gần như trở thành ngôn ngữ chính thức của con”, anh Tuấn chia sẻ. Nhưng để giúp con không quên tiếng Việt, hai vợ chồng anh giao tiếp với các con bằng tiếng mẹ đẻ khi ở nhà, đồng thời cho con học tiếng Việt online hai buổi một tuần với cô giáo tại Việt Nam.

Anh Tuấn tin rằng môi trường học tập tại Nhật phù hợp với các con và mong muốn của gia đình anh. “Tuy nền giáo dục tại Nhật có nhiều khác biệt với lối sống và văn hóa người Việt, song mình nghĩ FSOFTer và gia đình sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thích nghi và hòa nhập cuộc sống nơi đây, nhất là khi chúng ta còn nhận được sự hỗ trợ từ công ty và các bạn đồng nghiệp”.

Anh Trần Thanh Hùng – một onsiter tại Dallas cũng nhận thấy môi trường học tập tại Mỹ đã giúp các con anh tự tin và tự lập hơn. Ban đầu, anh tự tìm hiểu thông tin về xếp hạng của trường và gọi điện trực tiếp để có thể trao đổi với nhà trường, cho các con nhập học. Điều ấn tượng nhất với con gái anh trong ngày đầu tới trường là cả lớp cùng nhau theo dõi slide giới thiệu bạn mới, hiểu về bạn hơn và nhiệt tình chào đón bạn. “Qua buổi học đầu, con không thấy ngại hay sợ học môi trường mới, mà còn thích nghi kết bạn rất tự nhiên. Sau khi về nhà, con đã nói với ba mẹ là muốn đi học tại môi trường này, vui vẻ kết bạn với mọi người, hòa đồng nhanh chóng”, anh Hùng chia sẻ.

Tại Mỹ hay Nhật, trẻ em là những đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Các gia đình luôn dành thời gian bên con, cùng con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường như đi công viên chơi hay kỷ niệm những ngày lễ.

Trước khi đón cả gia đình sang xứ sở hoa anh đào, anh Bùi Lê Tuấn (FPT Japan) đã tham khảo ý kiến từ những đồng nghiệp sang trước. Đồng thời, anh dành thời gian đi thăm gia đình nhiều anh chị đồng nghiệp để được tận mắt chứng kiến và lắng nghe những chia sẻ về cuộc sống tại nước Nhật. “Một quyết định đúng đắn và may mắn nhất của mình là đã lựa chọn được người đồng hành cùng – người hàng xóm thân thiện, đó là gia đình anh Trịnh Văn Thảo. Mình có thời gian dài làm việc cùng anh Thảo trước đó, hai gia đình cũng có nhiều điểm khá tương đồng, bé lớn nhà mình cùng tuổi với con gái anh Thảo. Vì vậy, gia đình mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi bắt đầu cuộc sống mới tại Nhật”.

Đối với chị Nguyễn Thị Ngân Hà (FPT EU), việc tìm hiểu thông tin tại Đức không quá khó khăn, đặc biệt chị còn được các anh chị trong công ty chia sẻ kinh nghiệm đi trước và giới thiệu một vài trường học phù hợp với con. Chị luôn cảm nhận thấy sự gắn kết và hỗ trợ của các anh chị em FSOFTer nơi đây.

Còn với chị Trần Ngọc Anh (FAM), hành trình cả gia đình đến Mỹ bắt nguồn từ chồng chị – một onsiter của FSOFT. Bén duyên với FPT Americas, anh đã đưa cả gia đình sang Mỹ trải nghiệm cuộc sống mới. Chị Ngọc Anh khi ấy dành toàn bộ thời gian đầu để chăm sóc con và giúp bé hòa nhập. Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị em FSOFTer cùng việc tìm hiểu thông tin trong các nhóm cư dân khu vực trên Facebook, chị đã tham khảo và chọn được trường học phù hợp với con. Bản thân chị cũng tự học hỏi, tìm hiểu các công việc làm linh hoạt để có thể luyện tập tiếng Anh hàng ngày. Sau khi các con đã đi học ổn định, chị Ngọc Anh đầu quân cho FSOFT và trở thành một đồng nghiệp của chồng.

Cộng đồng người F tại nơi gia đình anh Trần Thanh Hùng và gia đình chị Trần Ngọc Anh sinh sống luôn hỗ trợ nhau và thường tổ chức gặp gỡ trong các dịp lễ của Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là cách để mọi người cùng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống cho con.

Cũng như vậy, chị Võ Thị Thuỳ Liên cảm thấy mình thật may mắn vì cả 2 vợ chồng chị đều cùng nhau làm việc tại FPT Japan nên có một sợi dây kết nối, sự thấu hiểu và đồng cảm mạnh mẽ cho nhau về công việc và cuộc sống. “Cả nhà mình đang thực sự hài lòng với cuộc sống tại Nhật vì chúng mình đều có công việc ổn định, con mình được lớn lên trong môi trường giao lưu và duy trì Tiếng Việt. Những lúc thèm đồ ăn Việt, anh chị em trong công ty lại cùng nhau nấu những món ăn Việt để nhớ về hương vị quê nhà. Có lẽ đây là điều khiến mình vui nhất và cũng là điều hiếm công ty Nhật nào có thể làm được điều này”, chị Liên nói.

Sinh sống và định cư ở những quốc gia phát triển, người FSOFT không chỉ được tận hưởng một môi trường sống trong lành, văn minh, hiện đại cùng hệ thống giáo dục, y tế tiên tiến, mà đó là còn là cơ hội để các gia đình nhỏ thêm gắn kết, những người chồng chia sẻ việc gia đình và chăm sóc con cái với những người vợ, hay những gia đình xa xứ cùng quây quần và hỗ trợ cho nhau. Có lẽ FSOFTer ở Nhật, Mỹ, Đức, Singapore… đã thân quen với hình ảnh các gia đình rủ nhau đi siêu thị vào mỗi dịp cuối tuần, hay cùng nhau đi du lịch, ngắm nghía khung cảnh tuyệt vời của những địa danh nổi tiếng nơi mình sinh sống. Cũng có khi cả văn phòng cùng nhau tổ chức những ngày lễ truyền thống của Việt Nam và nước bản địa, hay đơn giản chỉ là ra công viên cắm trại, cùng nhau thưởng thức một vài món ăn “finger food”…

Bài viết: Phương Mai
Thiết kế: Hà Duyên

Close