Quay lại

Với sự máu lửa, nhiệt huyết cùng tinh thần “Đếch biết gì cũng tiến”, người FSOFT liên tục đặt ra cho mình những mục tiêu mới, những đỉnh cao mới để chinh phục mà chưa một công ty nào ở Việt Nam làm được. Những chuyến đi đến những vùng đất mới để khai phá thị trường, những chứng chỉ quốc tế lần đầu tiên được biết tới, những thương vụ mua bán – sáp nhập đình đám, những hoạt động nội bộ độc đáo…, tất cả nhằm từng bước xây dựng và khẳng định đẳng cấp của một công ty Việt trên toàn cầu.

1. Hợp đồng đầu tiên với khách hàng Winsoft, Canada

Sau nửa năm thành lập, FSOFT có hợp đồng triển khai dự án với khách hàng đầu tiên – Winsoft, Canada. Khách hàng giao cho FSOFT hai dự án – Lifeserve (về Bảo hiểm) và Winfund (về Mutual Funds – Quỹ tương hỗ), do anh Nguyễn Đức Quỳnh và Nguyễn Đắc Việt Dũng phụ trách. Hai dự án này được ví như trận Phai Khắt và Nà Ngần, là hai trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiêu diệt hai đồn nhỏ là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần.

Dự án thắng lợi, khách hàng còn thưởng cho team dự án 7.000 USD và khiến những người FSOFT thời ấy tin tưởng sâu sắc vào bình minh rạng rỡ của công cuộc xuất khẩu phần mềm.

2. Chi nhánh nước ngoài đầu tiên FPT India

Sáng ngày 01/01/2000, ngày mở đầu thiên niên kỷ mới, văn phòng FPT India khai trương tại Bangalore, Ấn Độ. Anh Khúc Trung Kiên làm Giám đốc Chi nhánh, cùng sự hỗ trợ từ chị Bùi Thị Hồng Liên và anh Phạm Minh Tuấn (sau này chị Liên và anh Tuấn đều trở thành CEO FSOFT).

Chi nhánh FPT India khi đó chưa mang lại lợi nhuận đáng kể nào nhưng có ý nghĩa chính trị to lớn đối với FPT. Khi đó, Phó TGĐ FPT Hoàng Minh Châu đã nhận định: “Việc một công ty Việt Nam có chi nhánh ở thung lũng phần mềm nổi tiếng nhất Châu Á là sự kiện có sức thu hút đặc biệt và trên thực tế đã lôi kéo được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Những chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo đã ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách của Nhà nước đối với định hướng chiến lược xuất khẩu phần mềm”.

FPT India đã vinh dự đón tiếp đoàn công tác của Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm; Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Bộ Văn hóa Thông tin; Đài truyền hình Việt Nam…

3. Hợp đồng OSDC đầu tiên với Harvey Nash (UK)

Ngày 23/03/2000, FSOFT ký hợp đồng thành lập OSDC (Offshore Software Development Center) đầu tiên với Harvey Nash (UK). Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm này có tổng giá trị 500.000 USD.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình kể về câu chuyện này trong cuốn “Sử ký FPT 13”: “Harvey Nash lại là một may mắn số phận khác của chúng ta. May mắn bởi vì không phải FPT tìm đến Harvey Nash mà Harvey Nash đã tìm đến Việt Nam, đã tìm đến FPT. May mắn bởi Harvey Nash đến với FPT từ những ngày đầu (2000) và vẫn là nguồn doanh thu chính của xuất khẩu cho đến ngày hôm nay. May mắn bởi Harvey Nash đã đưa chúng ta đến mô hình OSDC và mô hình này đã trở thành kênh xuất khẩu phần mềm chính của FPT”.

4. Onsiter đầu tiên Nguyễn Lâm Phương

Ngày 25/03/2000, anh Nguyễn Lâm Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc FSOFT, nay là Giám đốc FPT Canada) có chuyến onsite đầu tiên đi Mỹ để thực hiện dự án SmartTouch.

Năm 2009, FSOFT chính thức chọn ngày 25/03 hàng năm làm “Onsiter’s Day” để tri ân và tôn vinh những cống hiến của đội quân onsite đang chinh chiến tại khắp các mặt trận trên toàn thế giới. Onsite là lực lượng tiền phương, là bộ mặt của FSOFT ở các thị trường, là cầu nối giữa khách hàng với anh em sản xuất ở offshore, nearshore. Sự phát triển và trưởng thành của FSOFT luôn gắn liền với sự lớn mạnh, chuyên nghiệp và tinh thần quyết chiến của các onsite.

5. Dự án đầu tiên với khách hàng Nhật NTT-IT

Chỉ một tháng sau chuyến khảo sát đầu tiên về thị trường phần mềm tại Nhật Bản của anh Trương Gia Bình và anh Nguyễn Thành Nam (tháng 11/2000), dự án đầu tiên với khách hàng Nhật NTT-IT được khởi động vào tháng 12/2000 do anh Trần Xuân Khôi và anh Trần Việt Bình phụ trách. Và chỉ nửa năm sau đó, FSOFT có OSDC với khách hàng này, do anh Nguyễn Đức Quỳnh phụ trách.

Dự án đầu tiên của NTT-IT là một dự án nhỏ song lại chính thử thách đầu tiên của người Nhật với một công ty Việt. Sau khi hoàn thành dự án, cánh cửa thị trường Nhật Bản đã dần mở với FPT/FSOFT. Năm 2003, một loạt các thương hiệu mạnh của Nhật như Hitachi, Nissen đã có hợp tác với chúng ta. Đó cũng là lý do mà đến 2005, FSOFT quyết định thành lập FPT Japan để phục vụ gia công phần mềm cho đối tác.

6. Comtor đầu tiên Quách Liễu Hoàn 

Đầu năm 2001, FSOFT khi đó đang làm việc với khách hàng Nhật đầu tiên là NTT-IT, sau dự án đầu tiên thí điểm giao tiếp bằng tiếng Anh, khách hàng đã hỏi: “FSOFT có làm được toàn bộ bằng tiếng Nhật không?”. Câu trả lời là: “CÓ!”. Khi đó, FSOFT đang có anh Trần Thịnh Phong – Hoa hậu FPT là Test Leader và anh Trần Anh Thắng làm Nhân sự là biết tiếng Nhật. Tuy nhiên, nhu cầu về một người biên phiên dịch dự án tiếng Nhật là rất cần.

Đó là lý do anh Nguyễn Thành Nam đã đi tìm và tuyển chị Quách Liễu Hoàn – Comtor đầu tiên của FSOFT, mở ra một nghiệp vụ mới trong ngành Phần mềm Việt Nam. Năm 2024, FPT quyết định chuyển hướng Đông Du, chị Hoàn cũng là người xung phong đi mở cõi khi con đầu lòng mới tròn 10 tháng. Hiện chị Hoàn là Phó Giám đốc FPT Japan.

7. Những khách hàng Mỹ đầu tiên Cogita và ProDX 

Tháng 8/2001, FSOFT có những khách hàng Mỹ đầu tiên do Martin Geiger (cũng là chuyên gia quốc tế đầu tiên gia nhập FPT/FSOFT) mang về. Từ đây, FSOFT thành lập OSDC thứ hai và thứ ba với khách hàng Cogita và ProDX.

Cogita OSDC khi mới thành lập có 12 lập trình viên. Cogita là công ty dịch vụ CNTT đóng tại San Francisco, bang California với lĩnh vực nghiệp vụ chủ yếu là Công nghệ sinh học. ProDX là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực CNTT, đóng tại Portland, bang Oregon.

8. Công ty Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn CMM-4, CMMi 5 

Tháng 3/2002, chiến dịch CMM-4 thành công sau gần một năm triển khai. FSOFT trở thành công ty đầu tiên tại Đông Nam Á đạt CMM-4, lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới về Quản lý chất lượng, đồng nghĩa với việc FSOFT giành tấm giấy thông hành hạng nhất để bước vào thị trường phần mềm thế giới. Anh Lê Thế Hùng – Hùng “Râu” là chỉ huy trực tiếp của chiến dịch này

Ngày 29/5/2006, FSOFT tiếp tục đạt tiêu chuẩn CMMi Level 5. Sự kiện này giúp FSOFT lọt vào danh sách khoảng 150 công ty và tổ chức trên toàn cầu được Viện Công nghệ phần mềm Hoa Kỳ (SEI) công nhận hệ thống quy trình sản xuất phần mềm đạt mức cao nhất trong mô hình trưởng thành năng lực về sản xuất phần mềm.

9. Tờ báo nội bộ đầu tiên Cucumber 

Tháng 05/2002, FSOFT ra mắt tờ báo nội bộ đầu tiên – Cucumber. Tờ báo được thực hiện bởi các anh chị Phan Thị Quỳnh Hoa, Phạm Mỹ Ngọc và Bùi Anh Tuấn (hiện là Giám đốc Mỹ thuật FSOFT). Cucumber đã thu hút độc giả tại thời điểm đó bởi bầu không khí dân chủ của một tờ báo nội bộ. Không chỉ đưa những thông tin chính sách của công ty hay tôn vinh lãnh đạo, Cucumber đi sâu vào đời sống của nhân viên, khích lệ FSOFTer làm việc năng suất và chơi vui tới bến.

Từ năm 2002-2010, Cucumber đã nhiều lần “tiến hóa” để bắt nhịp thời đại. Từ những bản thảo dàn thô sơ trên phần mềm văn bản, tờ báo được thiết kế bắt mắt hơn bằng phần mềm chuyên nghiệp, có giám đốc sáng tạo riêng, được in số lượng hàng nghìn bản, thay đổi màu mực, đính kèm nhiều phụ san đặc biệt… Kể từ năm 2011 đến nay, tờ báo chính thức chuyển đổi số xuất hiện đa kênh trực tuyến, trở thành hệ sinh thái truyền thông chủ động cho hơn hàng chục nghìn nhân sự của FSOFT. Cucumber đang phát hành nhiều định dạng tin tức như video, longform, newsletter, chatbot…

10. Khách hàng đa quốc gia đầu tiên Unilever 

Đầu năm 2000, Unilever dự định triển khai một hệ thống ERP cho khoảng 200 đại lý, nhà phân phối ở Việt Nam. Unilever sẽ tài trợ toàn bộ chi phí phần mềm, nhà phân phối chỉ cần đầu tư phần cứng với mức giá ưu đãi và có thể mua trả góp dưới sự bảo lãnh của Unilever.

Nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Logistics của Unilever Việt Nam khi đó nhận định: “FSOFT là công ty hiếm hoi có thể cam kết mạnh mẽ về sự tăng trưởng của Unilever, thời điểm công ty chân ướt chân ráo vào Việt Nam”. Vì sự hấp dẫn từ quy mô khổng lồ của dự án (trên 1 triệu USD vào thời điểm năm 2002), anh Phạm Minh Tuấn đã “liều mình” nhận dự án mà không mất một giây suy nghĩ.

FSOFT và Unilever đã cùng nghiên cứu, triển khai dự án với kế hoạch ban đầu là 12 tháng. Song chỉ hết quý I/2003, khoảng 6 tháng sau đó, dự án đã được triển khai thành công. Làm việc với một tập đoàn đa quốc gia như Unilever, người FSOFT đã học được kinh nghiệm trong việc hoạch định lộ trình chuyển giao, phân công trách nhiệm cho từng đối tác ở mỗi giai đoạn rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

11. Ban nhạc đầu tiên LTV Band 

Ngày 10/11/2002, ban nhạc đầu tiên của FSOFT ra đời, mang tên LTV Band (LTV = Lập trình viên) do anh Nguyễn Thành Lâm, khi đó là Project Leader của dự án SmartTouch làm “ông bầu” (anh Lâm là CEO của FSOFT trong giai đoạn 2012-2015).

Ban nhạc có mặt trong hầu hết các event của FSOFT/FPT, lê lết trên giảng đường của hầu hết các trường Đại học mà FSOFT đến tuyển dụng. Cái tên LTV Band đã thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa trong công ty. Song đến năm 2012, những anh chàng lập trình viên hát Rock tổ chức show diễn cuối cùng, đánh dấu kết thúc sự nghiệp ca hát 10 năm của ban nhạc.

12. Doanh thu 1 triệu đô đầu tiên 

Năm 2002, FSOFT đạt 1 triệu đô doanh thu đầu tiên. 1 triệu đô đầu tiên này chính là lằn ranh sinh tử.

CEO FSOFT Phạm Minh Tuấn nhớ lại: “Tôi là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và lặng lẽ quay về. Nhiều tranh luận trong FPT, tiếp tục làm trong nước hay ra nước ngoài? Sau đó, cột mốc đạt 1 triệu đô đã giúp chúng tôi tin rằng FSOFT có thể ra nước ngoài”.

13. Công ty Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ quốc tế về ISMS 

Tháng 8/2005, FSOFT trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng chỉ quốc tế về hệ thống quản lý bảo mật thông tin BS7799-2:2002 (sau này ISO 27001:2005 là phiên bản thay thế, được phát triển trên chuẩn BS7799). Thời điểm này, FSOFT đã có 1.000 nhân sự, là công ty phần mềm có số lượng nhân viên đông đảo nhất Việt Nam.

Năm 2017, FPT Software là công ty Việt Nam đầu tiên giành chứng chỉ quy trình quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô A-SPICE Level 3 – tấm giấy thông hành đảm bảo năng lực cho hoạt động sản xuất, khả năng tiếp cận bất kỳ Tier 1 nào.

14. Lần đầu tiên FSOFT làm chủ thầu ở nước ngoài 

Năm 2006, FSOFT ký hợp đồng phần mềm trị giá 6,4 triệu USD với Tập đoàn Petronas. Đây là dự án gia công phần mềm lớn nhất trong khu vực mà FSOFT đóng vai trò tổng thầu, chuyển đổi 1.532 ứng dụng từ công nghệ Lotus Notes sang .Net cho hơn 20.000 người sử dụng tại Malaysia.

Dự án kéo dài 20 tháng với hơn 400 người tham gia, huy động lực lượng sản xuất ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Đây được coi như một cơ hội, một thử thách và cũng là một sự khẳng định về tên tuổi FPT/FSOFT trên bản đồ IT của thế giới.

15. Công ty Việt Nam đầu tiên tổ chức Ngày Phụ huynh 

Ngày Phụ huynh là ý tưởng của anh Nguyễn Thành Nam – người sáng lập FSOFT với mong muốn các bậc phụ huynh của FSOFTer được hội ngộ và gặp mặt Ban Lãnh đạo công ty, cùng tìm hiểu về nơi con mình làm việc để luôn tin tưởng và là điểm tựa giúp con phát triển sự nghiệp.

Đây cũng dịp để FSOFTer nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Sở dĩ chọn ngày kỷ niệm là 19/11, ngay trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 bởi theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, mỗi người con khi trưởng thành đều cần ghi nhớ 3 điều thiêng liêng “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Năm 2006, Ngày Phụ huynh lần đầu tiên được tổ chức tại FSOFT, thu hút hơn 950 bậc phụ huynh của 700 FSOFTer tham gia.

16. Anh Hà Minh Tuấn – Chủ nhân của chứng chỉ PMP đầu tiên tại FPT 

Ngày 26/12/2007, FSOFT có chứng chỉ PMP đầu tiên trong tập đoàn, do anh Hà Minh Tuấn (hiện là Giám đốc FPT Korea) mang về. Đây là chứng chỉ danh giá, công nhận đẳng cấp của người làm nghề Quản trị dự án, giúp nâng cao uy tín của FSOFT trước khách hàng.

Hiện tại, chứng chỉ PMP đã trở thành tiêu chuẩn của các PM nhà Phần mềm FPT. Mỗi năm có hàng trăm chứng chỉ PMP mới bổ sung vào kho chứng chỉ của FSOFT. Năm 2024, Ban điều hành kinh doanh FSOFT (BCC) đặt mục tiêu có thêm 500 chứng chỉ PMP mới.

17. Lần đầu tiên FSOFT sở hữu riêng một tòa nhà 

Năm 2005, khi doanh số của FSOFT lúc đó mới có 9,5 triệu USD còn FSOFT Đà Nẵng thì đang “chạy ăn từng bữa”, các lãnh đạo FSOFT đã có một quyết định táo bạo – chi 1,5 triệu USD để mua 3ha đất ở khu công nghiệp Massda để làm trụ sở khi nhìn thấy những tiềm năng cho công ty ở thành phố này.

Ngày 27/12/2009, toàn bộ CBNV FSOFT ĐN đã hân hoan chuyển về nhà mới, tòa nhà FPT Đà Nẵng. Tòa nhà này chính thức được khai trương vào ngày 10/01/2010. Đây là lần đầu tiên FSOFT sở hữu riêng một tòa nhà. Sau đó, lần lượt các campus khác được khai trương như F-Town, F-Ville…

18. CEO người nước ngoài đầu tiên tại FPT 

Ngày 01/01/2010, ông Ogawa Takeo (hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là “Cụ Ô”) được bổ nhiệm làm CEO FPT Japan. Đây là một quyết định quan trọng mang tính đột phá trong thời cuộc FSOFT cần thay đổi để tiếp tục phát triển.

Cụ Ogawa Takeo là một người giàu kinh nghiệm, uy tín trong ngành CNTT Nhật Bản và từng lãnh đạo công ty IT hàng đầu đất nước mặt trời mọc – Hitachi Software. Cụ rất yêu, rất hiểu và luôn ủng hộ cho khát vọng lớn mạnh ở Việt Nam và vươn ra thế giới của FPT/FSOFT.

Sau khi làm CEO, cụ Ô tiếp tục gắn bó với FPT Japan cho tới ngày nay trong vai trò là Cố vấn cấp cao. Cụ đã góp phần đưa FPT Japan trở thành một công ty Nhật Bản và nói như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thì: “Nếu không có cụ dìu dắt thì FSOFT không thể có như ngày hôm nay”.

19. Thương vụ M&A đầu tiên 

Tháng 06/2014, FSOFT mua lại công ty RWE IT Slovakia, thuộc Tập đoàn RWE (Đức) – là thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam. Tháng 7 cùng năm, RWE IT Slovakia đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FSOFT trên nấc thang toàn cầu hóa.

Từ thương vụ M&A đầu tiên, FSOFT đã thực hiện hàng loạt các thương vụ M&A, đầu tư chiến lược, thành lập liên doanh với các đối tác ở khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu và Nhật Bản… với tổng giá trị hơn 100 triệu USD trong vòng 10 năm qua.

20. Thương vụ M&A đầu tiên với một công ty tư vấn của Mỹ 

Tháng 7/2018, FSOFT công bố hoàn tất thương vụ M&A lịch sử với Intellinet, một trong những công ty tư vấn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên, một công ty CNTT Việt Nam mua công ty tư vấn của Mỹ. Diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn đây là Top 3 thương vụ tiêu biểu 2017-2018 ở hạng mục mua lại và giúp FPT lọt Top 10 công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ 2009-2018.

Cũng chính Intellinet đã góp phần mang lại cho FSOFT khách hàng lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm hiện tại – C99 Program với doanh thu trên 100 triệu USD trong năm 2022.

21. Chiến dịch lan tỏa “Run for Green” 

Năm 2019, lần đầu tiên FSOFT triển khai một chương trình cộng đồng với mức độ lan tỏa vô cùng lớn, thu hút hơn 20.000 lượt người tham gia từ hơn 20 thành phố trên khắp thế giới. Đó là chiến dịch Run for Green nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập FSOFT.

Chiến dịch này đã được người FSOFT trên toàn cầu đóng góp bằng những bước chạy marathon với gần 1.000.000 km chạy khắp thế giới (tương đương hơn 20 vòng Trái đất) và trồng 20.000 cây xanh ở nhiều nơi trên thế giới.

22. Chính sách An cư lạc nghiệp 

Năm 2019, lần đầu tiên, FSOFT – một công ty công nghệ ngoài quốc doanh tại Việt Nam đã cấp nhà và hỗ trợ mua nhà giá ưu đãi cho CBNV thông qua việc triển khai chính sách An cư lạc nghiệp. Đây là dấu ấn đột phá của FSOFT trong quá trình nỗ lực hoàn thiện chế độ đãi ngộ cho CBNV, gia tăng sự gắn kết, đồng thời hướng tới mục tiêu dài hạn là thu hút nhân tài CNTT trên khắp cả nước.

Sau này, chính sách An cư lạc nghiệp đã triển khai trên ba miền cùng với các hoạt động như ưu đãi 4% lãi suất vay vốn, hỗ trợ tiền thuê nhà…

23. Hoa hậu người nước ngoài đầu tiên của FPT 

Năm 2021, anh Boopaladoss Alwyn Joseph – Giám đốc Doanh thu của FPT Americas (hiện là Deputy CEO của FAM) được trao danh hiệu Hoa hậu FPT, là Hoa hậu người nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn.

Suốt hành trình hơn 8 năm gắn bó với FSOFT, Alwyn đã thổi làn gió mới đến FPT Americas với năng lực vượt trội và tinh thần “nghĩ lớn làm lớn”. Mang về nhiều tập khách hàng lớn cùng các dự án trị giá hàng chục triệu USD, anh Alwyn đã đóng góp vào những bước tiến ngày càng thần tốc và sự tăng trưởng mạnh mẽ của FPT Americas.

24. Khách hàng 100 triệu đô đầu tiên 

Năm 2020, khi kick-off C99 Program với khách hàng là hãng kinh doanh xe hơi lớn nhất nước Mỹ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Hợp đồng với C99 củng cố niềm tin vào năng lực của FPT. Thậm chí từ nay trở đi, chúng ta còn có thể nghĩ tới những hợp đồng lớn hơn nữa. C99 sẽ trở thành hình mẫu điển hình cho tất cả các thị trường”. Theo OKR của nhà F, C99 sẽ đạt doanh số 99 triệu USD trong 3 năm đầu và là account đầu tiên của FSOFT đạt doanh số 50 triệu USD/năm.

Tổng kết năm 2021, C99 Program mang về năm 2021 là hơn 70 triệu USD và năm 2022 là hơn 100 triệu USD, trở thành khách hàng đem lại doanh thu trong năm lớn nhất cho FSOFT (tính đến thời điểm hiện tại).

25. FSOFT cán mốc doanh thu 1 tỷ đô  

Ngày 22/12/2023, FSOFT công bố doanh thu năm 2023 cán mốc 1 tỷ USD. Kết quả này đưa FSOFT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm, doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FSOFT đến chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương.

Close