FSOFTer Đà Nẵng lần đầu tiếp xúc với Cung đạo Nhật Bản

LTI cùng Chương trình 13K5, kết hợp với CLB Cung Đạo Đà Nẵng vừa tổ chức sự kiện văn hóa đặc sắc nằm trong chuỗi “Japanese Language & Culture Workshop”, mang đến cho FSOFTer một trải nghiệm văn hóa độc đáo. Đó là Cung Đạo Nhật Bản (hay còn gọi là Kyudo), tại Đà Nẵng.

Kyudo (弓道), là một môn thể thao và võ thuật truyền thống của Nhật Bản. Không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí, Kyudo còn là phương pháp rèn luyện tinh thần và thể chất. Trong buổi workshop chiều 15/4 tại Hội trường Đại Dương (F-Complex), các FSOFTer tại Đà Nẵng đã có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của môn thể thao nêu cao tinh thần thượng võ, vươn tới triết lý Chân – Thiện – Mỹ này. Cùng với đó, FSOFTer sẽ có cơ hội tận mục sở thị nghi thức bắn cung, và kết nối đến cộng đồng đam mê bộ môn Kyudo đang có tại Đà Nẵng.

Tham gia chương trình, có Thầy Kushita Kouhei là Renshi ngũ đẳng được chứng nhận bởi liên đoàn Cung Đạo Nhật Bản. Theo trường phái Honda – Ryu, hiện thầy đang sống tại Tokai, Ibaraki, Nhật Bản. Thầy Kushita còn là người hướng dẫn và thực hành nhiều môn phái khác như: Thiền (Zen), Thái cực quyền (Tai-Chi), Khí công (Qigong), Thư đạo (Shodo), nhạc cụ Kocarina (Kocarina), thơ Tanka. Thầy Kushita đã từng làm việc cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản là nhà Tiến sĩ trong lĩnh vực Hóa học phóng xạ cho đến khi nghỉ hưu, đồng thời cũng từng làm giảng viên tại các trường đại học nổi tiếng ở Nhật Bản như Đại học Tokyo, Đại học Ibaraki.

Ngay sau phần phát biểu khai mạc ngắn gọn của chị Lương Thị Bội Ngọc (Phụ trách Chương trình 13K5 tại Đà Nẵng) về mục đích tổ chức Workshop Kyudo, Thầy Kushita Kouhei đã thực hiện nghi lễ Makiwara sharei. Đây là một trong những nghi lễ trang trọng nhất được thực hiện trong những dịp trọng đại như khai trương võ đường và các lễ kỷ niệm khác, cùng với matomae sharei kiểu bắn cung này thường có phụ tá đi cùng.

Tham gia sự kiện, anh Trương Minh Hiếu (FI.G55) đóng vai trò là phụ tá của Thầy Kushita, người đã có đai Kyudo Nhị đẳng được chứng nhận bởi liên đoàn Cung Đạo Nhật Bản, đã giới thiệu với FSOFTer một cách tỉ mỉ về các khái niệm cũng như các thành phần dụng cụ hỗ trợ trong Kyudo như: cung (yumi), tên (ya), dây cung (tsuru), găng tay (yugake), trang phục (hakama, muneate, kyudogi), bia ngắm, cung trường, cách chuẩn bị tinh thần và cách ngắm bắn…

Anh Hiếu cũng đã tham gia cùng Thầy Kushita đã trả lời các câu hỏi của cán bộ nhân viên FSOFT đưa ra. Theo trường phái Honda – Ryu, anh Trương Minh Hiếu đã tập Kyudo được 10 năm (2 năm ở Nhật Bản khi anh đi onsite tại FJP). Đang là huấn luyện viên của Câu lạc bộ Kyudo Đà Nẵng, hiện anh Hiếu đang làm việc cho đơn vị FI.G55 với vai trò System Analyst.

Sau giờ giải lao ít phút, tất cả các thành viên workshop đã cùng nhau trải nghiệm 射法八節  Shaho Hassetsu, một trò chơi thú vị liên quan đến nghệ thuật bắn cung, ngay tại Hội trường Đại Dương.

Kyudo hay Cung đạo trong tiếng Nhật là 弓道, là môn võ cổ truyền của Nhật Bản sử dụng cung truyền thống để luyện tập cảm giác bình tĩnh và kiên định thông qua hành động bắn một mũi tên vào mục tiêu. Về nguồn gốc hình thành bộ môn này thì theo ghi chép trong sách cổ, Cung Đạo đã xuất hiện từ thời kỳ Yayoi (khoảng từ năm 500 TCN – năm 300 SCN). Con người khi ấy sử dụng cây cung làm bằng gỗ, hình dạng ngắn từ đáy và dài từ đầu. Kyudo là kỹ năng cần thiết của các chiến binh Samurai thời chiến tranh.

Theo anh Trương Minh Hiếu, Kyodo không chỉ lí tưởng để rèn luyện thể chất mà còn phù hợp để rèn luyện tinh thần không bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài, môn thể thao sử dụng cung làm vũ khí.

Kyudo có chút khác biệt so với các môn thể thao khác ở chỗ nó là môn võ thuật/thể thao mà đối thủ không phải ‘người’ mà là ‘mục tiêu’”, anh Hiếu cho biết thêm. Kyudo đơn giản và thân thiện, vì vậy không quá giới hạn tuổi tác hay giới tính, người trưởng thành (>16 tuổi) đều có thế tập luyện. Mỗi người chơi có thể bắt đầu luyện tập sử dụng cung với sức mạnh phù hợp với thể lực của mình. Dù mưa hay nắng, thời gian luyện tập có thể được điều chỉnh để phù hợp với môi trường của võ đường.

Chị Lương Thị Bội Ngọc cũng chia sẻ thêm ngoài Kyudo, Chương trình 13K5 sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều sự kiện, nhằm phổ cập rộng rãi nét đặc sắc của các nền văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… liên quan đến các thị trường trọng điểm mà FSOFT đang tuyển dụng nhân sự để mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh doanh và hướng tới chuỗi mục tiêu 5 GIGA.

Tags

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Related Articles

Close