Ngoài tiếng Anh, muốn onsite dài hạn tại Mỹ nhất định phải ‘nằm lòng’ những điều này 

Tháng đầu tiên tại Mỹ, Nguyễn Xuân Hải Nam (ST3.SMA) tiêu tốn từ 40-60 USD chi phí taxi để di chuyển giữa nhà và văn phòng. Sống tại quốc gia rộng lớn này, việc sở hữu một chiếc xe hơi là “cần kíp” với anh hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là vấn đề đầu tiên mà chàng trai 9x cần giải quyết nhanh – gọn – lẹ khi chập chững onsite tại xứ cờ hoa.

Sống ở Mỹ, cần “say YES” với xe hơi

Trong một chuyến công tác, chàng sinh viên Đại học Bách khoa với 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản đã làm “siêu lòng” khách hàng Mỹ. Sau chuyến thăm văn phòng khách hàng vào tháng 7/2019, Hải Nam chọn Mỹ là điểm đến tiếp theo trên hành trình “go global” của mình. Tháng 11/2019, anh chính thức đặt chân tới xứ sở thiên đường.

Nơi Hải Nam làm việc là văn phòng của khách hàng tại Michigan – một tiểu bang thuộc vùng Bắc và Đông Bắc Hoa Kỳ, cũng là nơi văn phòng FPT tọa lạc và là thủ phủ của những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp ô tô.

Đã làm việc tại đây hơn 1 năm nhưng Hải Nam không thể quên được những ngày đầu tiên đầy bối rối. Để đến được văn phòng khách hàng, Hải Nam phải di chuyển bằng taxi với giá khá “chát” hoặc đi nhờ bạn bè, đồng nghiệp. Song, điều đó không thể duy trì nếu Nam onsite dài hạn trên đất Mỹ. Nam biết mình cần có một chiếc xe hơi.

Nam nhớ lại, sau khi có visa sang Mỹ, anh phải sống ở đó đủ 30 ngày mới có thể đăng kí thi bằng lái. Một tháng nữa để ôn thi và đỗ bằng lái lý thuyết, anh có hai tháng để thực tập trước khi chính thức thực hành lái xe trên đường với bằng lái tạm. Trong trường hợp phải lưu thông trên đường, bắt buộc phải có người đã có bằng lái ngồi ghế phụ để kèm cặp. Sau 3 tháng chăm chỉ luyện tập, Hải Nam nắm trong tay giấy phép lái xe và có th­­­­­­­­ể tự tin di chuyển qua các bang.

Từ kinh nghiệm bản thân, Hải Nam cho rằng, FSOFTer đang ngấp nghé dự định onsite dài hạn tại Mỹ hãy thực hành lái xe tự động ở Việt Nam trước khi cất cánh. Sẽ là lý tưởng nhất nếu onsiter đã có sẵn bằng lái ở Việt Nam vì tấm bằng này có hiệu lực tại Mỹ từ 1-2 tháng.

Hoàn tất thủ tục bằng lái, Hải Nam tìm mua một chiếc xe hơi trên các trang Facebook market, Carfax… Chỉ với 8.000 đến 9.000 USD, tương đương với khoảng 200 triệu VNĐ là đã có thể sở hữu một chiếc xe hơi. “Khi mua xe thì nên đi cùng người quen và mang tới gara để kiểm tra trước khi bắt đầu lái đường dài”, anh Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Đặc biệt, một điều không thể không nhắc tới là người Mỹ thượng tôn pháp luật, do đó onsiter không phải lo lắng hay e dè khi làm bất cứ điều gì nếu đã tìm hiểu và nắm rõ luật pháp tại đây, ngay cả việc lái xe trên cao tốc. “Lái xe ở Mĩ rất dễ, cứ đúng luật mà đi thôi. Mình thấy nhiều cụ ông, cụ bà 70-80 tuổi vừa đeo ống thở vừa lái xe 100km trên cao tốc là bình thường. Còn mình, ngay khi nhận xe, mình đã tự tin đi lên cao tốc rồi”, Hải Nam nói.

‘Chìa khóa’ cho cánh cửa American Dream

Đã từng làm việc tại Nhật Bản nhưng Nam không ôm một niềm tin chất phác rằng, sống ở nước ngoài, ở đâu cũng giống nhau. Mỹ là một bức tranh hoàn toàn khác biệt, bởi Mỹ là đất nước tụ hội nhiều nền văn hóa khác nhau. Do đó, onsiter sẽ được làm việc với đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia như Nhật, Ấn, Trung và người Mỹ bản địa.

Cái khó mà Hải Nam cho rằng hầu hết ai cũng sẽ gặp phải đó là sự thích nghi với người địa phương và khách hàng. “Dù trong thâm tâm vẫn nghĩ tiếng Anh và chuyên môn của mình khá tốt, nhưng chỉ khi bắt tay vào công việc mới có nhiều điều khiến mình phải ngỡ ngàng”, Nam nhớ lại.

Làm sao để nhanh chóng hòa nhập? Với Nam, chìa khóa cho cánh cửa “American Dream” trước tiên là ngôn ngữ. Khi giao tiếp, nếu nghe lần một không hiểu gì thì mạnh dạn đề xuất người đối diện nhắc lại lần hai, lần ba. Mưa dần thấm lâu và việc thích nghi sẽ nhanh chóng trở nên dễ dàng.

Bên cạnh đó là việc hoà hợp với môi trường, đồ ăn, thức uống và phong cách làm việc nơi đây. Ở chung căn hộ với một số đồng nghiệp khác, Nam thường đi chợ vào cuối tuần để chuẩn bị đủ thức ăn cho 7 ngày và cũng để chủ động nấu những món ăn yêu thích.

Trong công việc, dưới góc nhìn của Nam, người Mỹ bản địa thường dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Trong khi đó, những thành viên đến từ nhiều quốc gia khác thường đặt công việc lên hàng đầu.

Tất cả những trải nghiệm tại xứ cờ hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trên hành trình “go global” của Hải Nam. Có nhiều điều Nam vô cùng hãnh diện khi được chứng kiến lần đầu tiên. Mỹ hội tụ nhiều luồng văn hóa trên thế giới, vì vậy, Nam được tiếp cận những văn hóa đến từ nhiều cộng đồng người Mĩ Latin, Ý, người da màu, người Ấn và châu Á. “Chưa nơi nào mình đi qua lại có thể tìm được nhiều nhà hàng Á – Ấn – Âu – Mexico… gần nhau đến vậy. Thành phố Chicago có thể nói là thành phố đẹp nhất mình từng đến, đặc biệt mình rất ấn tượng về kiến trúc của thành phố này”, Nam tấm tắc.

Sau tất cả, điều Nam kỳ vọng là được trau dồi và học tập tại Mỹ – đất nước phát triển bậc nhất trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Khoa học – Kĩ thuật. “Mình được làm việc với khách hàng của FPT, được tiếp cận đầy đủ công cụ và tài liệu, tìm hiểu sâu được hơn về những công việc mà trước đây ở Việt Nam mình chỉ được làm một phần rất nhỏ trong đó”, Nam nói.

Hải Nam cũng bật mí, nơi anh công tác tập hợp toàn bộ trí tuệ ngành ô tô. Trong đó, lập trình Nhúng (Embedded) hiện là một trong những ngành “hot” tại đây. Khách hàng Automotive của FPT đang dành nhiều tâm sức để chiêu mộ những kĩ sư trong mảng này. Đây chính là cánh cửa rộng mở cho nhiều FSOFTer khao khát sang Mỹ để thay đổi bản thân và tìm kiếm những giá trị mới.

Hiện, FPT America (FAM) đang cần tuyển dụng 50 vị trí tại Mỹ và Canada. Các vị trí đa dạng từ Presales tới Data Architect, Technical Delivery Manager, Technical Solution Lead, Senior Dev, Automation QA, Technical BA…. và ưu tiên các ứng viên senior có hơn 5 năm kinh nghiệm. FSOFTer quan tâm có thể liên hệ [email protected].

QueDT

Tags

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Related Articles

Close